Cha, mẹ cùng chăm chút con sau khi sinh – Ảnh: THU THỦY
Sự quan tâm và tham gia của nam giới có thể tạo ra mọi sự khác biệt cho cuộc sống phụ nữ. Điều này được thấy rất rõ từ thực tế, đó là: Người cha thường có quyền quyết định cho con gái cưới chồng sớm hay có cơ hội tiếp tục học tập; Người chồng đóng vai trò chính trong việc quyết định số con và thời điểm họ sẽ có con; Sự chăm sóc và giúp đỡ của người chồng hay bạn tình có hiểu biết sẽ cải thiện tình trạng mang thai và sinh con, đồng thời biết cách giúp đỡ trong một số trường hợp tai biến khi phụ nữ cần được chăm sóc y tế khẩn cấp. Đối với những nơi không có vắc - xin hoặc các phương pháp chữa trị bệnh thì hành vi của nam giới là cực kỳ quan trọng với việc ngăn chặn sự lây lan căn bệnh HIV/AIDS.
Ở Phú Yên, khi được khuyến khích và có cơ hội, nhiều nam giới đã tham gia chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS).
Từ năm 1997 đến nay, chương trình tăng cường đưa dịch vụ chăm sóc SKSS đến vùng đặc biệt khó khăn ở Phú Yên luôn đạt kết quả khả quan. Hiện chương trình này đã được tỉnh chủ động triển khai thực hiện trên diện rộng với 100% xã, phường, thị trấn. Trong đó, gói dịch vụ làm mẹ an toàn bao gồm khám thai, cấp viên sắt, cấp gói đẻ sạch… được chú trọng đặc biệt. Nhiều nam giới đã chia sẻ với vợ bằng cách động viên, phối hợp tham gia thực hiện dịch vụ KHHGĐ với tinh thần tự nguyện cao, góp phần cải thiện một cách rõ rệt trong chăm sóc SKSS, giảm tỉ lệ tử vong mẹ và nâng cao chất lượng dân số ở các vùng, miền trong toàn tỉnh.
Theo bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc SKSS Phú Yên, trong chăm sóc SKSS, phụ nữ vẫn là đối tượng cần được chăm sóc tốt nhất. Với cấu tạo bẩm sinh, người phụ nữ dễ mắc các bệnh truyền nhiễm qua đường sinh dục hơn nam giới. Có nhiều phụ nữ, cơ địa không thích hợp với những biện pháp KHHGĐ thì người chồng chia sẻ bằng cách bản thân thực hiện KHHGĐ. Đình sản nam là biện pháp đơn giản vì thắt ống dẫn tinh chỉ 5-10 phút, còn cắt bỏ buồng trứng của phụ nữ phải trải qua phẫu thuật ổ bụng với thời gian nằm viện 7 ngày và có thể xảy ra biến chứng. Vì vậy để nam giới luôn là bạn đồng hành trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ, cần khuyến khích sự tham gia tích cực của nam giới trong trách nhiệm làm cha; trong hành vi tình dục và SKSS, bao gồm cả KHHGĐ; chăm sóc thai sản, sức khỏe bà mẹ và trẻ em; phòng chống các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, HIV/AIDS; phòng chống việc có thai ngoài ý muốn và các trường hợp mang thai có nguy cơ cao. Trách nhiệm của nam giới trong cuộc sống gia đình phải được đưa vào chương trình giáo dục cho trẻ từ khi còn nhỏ.
Theo thống kê của tổ chức Y tế thế giới (WTO), hơn nửa triệu phụ nữ chết hàng năm do các nguyên nhân liên quan đến thai sản, trong đó 99% ở các nước đang phát triển. 95% trường hợp trên có thể tránh được tử vong nếu có sự chăm sóc tốt.
Thạc sĩ Đỗ Như Mai (cán bộ Ủy ban Dân số- Gia đình- Trẻ em Phú Yên) cho rằng: “Việc tăng cường công tác truyền thông giữa nam giới và phụ nữ về SKSS, tình dục và trách nhiệm chung là rất cần thiết để có sự bình đẳng trong xã hội cũng như trong gia đình. Từ đó giúp họ thay đổi về nhận thức, thái độ, hành vi để đạt được mối quan hệ hài hòa, đồng hành trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ”. Còn các chuyên gia nghiên cứu thế giới cho rằng SKSS bắt đầu với việc bình đẳng giới.
MINH TUẤN