Toàn tỉnh có 16.655 người khuyết tật (NKT), chiếm tỉ lệ 1,9% dân số. Phân theo các dạng tật thì tỉ lệ khuyết tật vận động cao nhất, chiếm gần 48%, tiếp đến là khuyết tật thần kinh, trí tuệ, chiếm hơn 28%. Nguyên nhân chủ yếu của các dạng tật này là do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, rủi ro do thiên tai và một phần là do di chứng chiến tranh và bệnh hiểm nghèo.
XÁC ĐỊNH MỨC ĐỘ KHUYẾT TẬT
Triển khai thực hiện Luật NKT, các thông tư hướng dẫn, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai đồng bộ các giải pháp; lồng ghép vấn đề khuyết tật vào kế hoạch phát triển của địa phương và của ngành mình; đẩy mạnh tuyên truyền Luật NKT, các văn bản hướng dẫn và những chủ trương chính sách trợ giúp đối với NKT trong y tế, giáo dục, học nghề, việc làm, các lĩnh vực hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao và các dịch vụ khác phù hợp với dạng tật và mức độ khuyết tật của từng người… Qua đó, đời sống của đại bộ phận NKT đã được nâng lên, phần nào giúp họ vơi đi khó khăn, mặc cảm, tự lực vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Ông Trần Thanh Bình, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB-XH Phú Yên) cho biết, sở này đã tổ chức 5 cụm tập huấn về xác định mức độ khuyết tật cho trên 350 cán bộ, công chức tham gia. Hội đồng Giám định y khoa tỉnh đã hướng dẫn các địa phương một số đặc điểm của đối tượng bị mắc các chứng bệnh hiểm nghèo không quy định cụ thể tại các biểu hướng dẫn xác định dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật như: Người bị bệnh tim bẩm sinh, ung thư, tai biến nằm liệt một chỗ, chạy thận nhân tạo, động kinh, tâm thần. Đây là cơ sở để hội đồng xác định mức độ khuyết tật cấp xã xác định dạng tật và mức độ khuyết tật cho đối tượng. Đến nay, toàn bộ 112 xã, phường, thị trấn của tỉnh đã thành lập hội đồng xác định mức độ khuyết tật cấp xã. Đối với những trường hợp đi lại khó khăn, hội đồng đã tổ chức xác định mức độ khuyết tật tại thôn, buôn, khu phố; trường hợp không thể đến được địa điểm quy định thì tiến hành tại nơi cư trú của NKT. Nhìn chung, trình tự, phương pháp và các nội dung đánh giá dạng/mức độ khuyết tật được thực hiện theo đúng quy định.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Luật NKT ở tỉnh vẫn còn nhiều điểm hạn chế. Đơn cử như trong công tác xác nhận NKT, một số hội đồng cấp xã còn lúng túng trong xác nhận dạng tật, mức độ khuyết tật, chưa vận dụng được những chứng bệnh thực tế của đối tượng vào các dạng khuyết tật để xác định mức độ khuyết tật. Hiện chưa có nguồn vốn vay dành riêng hỗ trợ tạo việc làm cho NKT do đó, việc tiếp cận vốn ưu đãi để sản xuất còn gặp nhiều khó khăn; các hoạt động văn hóa văn nghệ, giải trí chưa được tổ chức thường xuyên; nhận thức và sự quan tâm của xã hội đối với NKT còn hạn chế; một số doanh nghiệp, địa phương chưa quan tâm đúng mức đối với các nhu cầu xã hội của NKT…
GIÚP ĐỠ NGƯỜI KHUYẾT TẬT KHÓ KHĂN
Trong thời gian tới, để công tác chăm sóc NKT được hiệu quả, đảm bảo đúng chính sách an sinh xã hội cho nhóm đối tượng này, ông Võ Văn Binh, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phú Yên, cho biết: Tỉnh sẽ thường xuyên tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về nội dung của Luật NKT, những chủ trương chính sách trợ giúp đối với NKT, qua đó nâng cao trách nhiệm các cấp, các ngành, tổ chức hội, đoàn thể, cộng đồng dân cư và gia đình; đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động chăm sóc giúp đỡ, cưu mang đối với NKT đặc biệt khó khăn.
Chính quyền địa phương sẽ phối hợp cùng các phòng ban có liên quan hướng dẫn UBND các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí phục vụ cho công tác xác định mức độ khuyết tật theo đúng văn bản hướng dẫn liên ngành nhằm tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện tốt chính sách đối với người khuyết tật ở địa phương. UBND xã, phường, thị trấn cũng tiếp tục kiện toàn hội đồng xác định mức độ khuyết tật ở địa phương, đảm bảo triển khai kịp thời công tác xác định mức độ khuyết tật và cấp giấy chứng nhận khuyết tật, phấn đấu giải quyết dứt điểm không để tồn đọng, trong đó lưu ý đối với nhóm khuyết tật nhẹ.
Qua xác định, trên địa bàn tỉnh hiện có 14.214 NKT được xác định mức độ khuyết tật, trong đó có 73% ở mức độ nặng và 21% đặc biệt nặng. Riêng 80 trường hợp hội đồng xác định mức độ khuyết tật cấp xã không đưa ra được kết luận về mức độ khuyết tật và bản thân NKT không đồng ý với kết luận ban đầu, Hội đồng Giám định y khoa tỉnh đã tổ chức giám định lại và đã có 43 người được chứng nhận khuyết tật. |
KIM CHI - NGỌC MINH