Tại hội nghị AIDS toàn cầu ở Australia vào tháng 7/2014, Liên Hợp Quốc đã đưa ra các mục tiêu: Đến năm 2020 có 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV, 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác. Ba mục tiêu này được gọi là Mục tiêu 90-90-90 của Liên Hợp Quốc, là những dấu mốc quan trọng có tính chiến lược trong phòng, chống HIV/AIDS nói chung.
Tuyên truyền cách phòng chống lây nhiễm HIV tại Bến xe nội tỉnh - Ảnh: M.NGUYỆT |
ĐỂ CÓ THỂ KẾT THÚC DỊCH HIV/AIDS
90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình. Nếu một người nhiễm HIV mà không biết mình nhiễm thì có thể vô tình làm lây nhiễm HIV cho người thân và cho người khác trong cộng đồng. Hơn nữa, nếu chúng ta không biết được thì không thể tiếp cận và cung cấp được các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS cho họ. Không biết được số người nhiễm HIV thực tế trong cộng đồng cũng sẽ gây khó khăn trong việc lập kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS.
90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV. Việc điều trị sớm bằng thuốc ARV sẽ giúp cho người nhiễm HIV tiếp tục kéo dài cuộc sống khỏe mạnh, giảm các nhiễm trùng cơ hội. Hơn nữa, việc điều trị sớm bằng thuốc ARV và đúng sẽ làm giảm khả năng lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục và giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con.
90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và giảm nguy cơ lây truyền HIV sang người khác. Việc kiểm soát tải lượng vi rút HIV ở mức thấp dưới ngưỡng phát hiện là chỉ báo quan trọng liên quan đến chất lượng và tuân thủ điều trị bằng thuốc kháng HIV.
Như vậy, các mục tiêu này có liên quan mật thiết với nhau. Từ tiếp cận với những người có hành vi nguy cơ cao để tư vấn, dự phòng lây nhiễm HIV và tạo cơ hội cho họ tiếp cận các dịch vụ xét nghiệm HIV. Khi một người được chẩn đoán nhiễm HIV cần được kết nối với dịch vụ điều trị ARV và duy trì tốt việc tuân thủ điều trị. Nếu đạt được 3 mục tiêu quan trọng này thì chúng ta có thể phát hiện được hầu hết những người nhiễm HIV trong cộng đồng; điều trị được hầu hết những người nhiễm HIV với kết quả điều trị tốt, giảm tối đa khả năng lây nhiễm HIV cho người khác; người đã nhiễm HIV có cuộc sống khỏe mạnh, từ đó có thể đạt được mục tiêu to lớn hơn là kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.
TIỀN ĐỀ QUAN TRỌNG
Thay mặt Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy mại dâm đã cam kết và hưởng ứng các mục tiêu 90-90-90 mà Liên Hợp Quốc đã đề ra. Tại Việt Nam, theo báo cáo tổng hợp từ các địa phương, các chỉ tiêu hiện tại của Việt Nam còn khá xa so với các mục tiêu 90-90-90 của Liên Hợp Quốc. Với mục tiêu 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, Việt Nam đã đạt được khoảng 78%. So với mục tiêu 90% người nhiễm HIV được điều trị ARV, những gì chúng ta làm được vẫn còn một khoảng cách quá xa: chỉ khoảng 39%.
Ở mục tiêu 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp và ổn định, chúng ta chưa tổ chức xét nghiệm được rộng rãi tải lượng vi rút một cách thường quy trong thời gian qua nên chưa có số liệu chính xác. Điều này đòi hỏi sự cam kết và nỗ lực lớn hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa của mỗi người lãnh đạo, mỗi người dân trong việc nâng cao nhận thức về phòng, chống HIV/AIDS; đòi hỏi chương trình phòng, chống HIV/AIDS cần phải có những điều chỉnh thích hợp với tình hình mới. Những mục tiêu của Liên Hợp Quốc đặt ra nhiều thách thức. Thực hiện được những mục tiêu này không chỉ là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của con người mà còn là sự ổn định và phát triển của quốc gia.
Trong bối cảnh dịch HIV mang tính toàn cầu và tác động toàn cầu, nếu Việt Nam làm tốt công tác phòng, chống HIV/AIDS nói chung và thực hiện thắng lợi các mục tiêu 90-90-90 thì kết quả đó không chỉ có ý nghĩa thiết thực đối với người dân Việt Nam mà cả với cộng đồng quốc tế. Và điều quan trọng đó là tiền đề để tiến tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030. |
HÀ AN