Muốn đi xuất khẩu lao động để khai thác hải sản và có thu nhập ổn định thì phải lựa chọn các đơn vị tuyển dụng có uy tín, rồi cố gắng học ngoại ngữ… Đó là chia sẻ của Mai Ngọc Anh, lao động thuyền viên tại Hàn Quốc.
Theo giới thiệu của chính quyền địa phương, tôi tìm đến nhà anh Mai Ngọc Anh (35 tuổi, phường 6, TP Tuy Hòa), lao động thuyền viên tại Hàn Quốc. Xuất khẩu “chính ngạch” đi đánh bắt hải sản tại Hàn Quốc từ năm 2010, anh vừa kết thúc hợp đồng thời hạn làm việc 4 năm 10 tháng. Hiện anh đang về thăm nhà và tiến hành các thủ tục để tháng 12/2015 tiếp tục sang Hàn Quốc làm việc.
Ngọc Anh kể, cách đây 5 năm, trong lúc tàu nhà làm ăn thua lỗ thì đứa em đang lao động ở Hàn Quốc “rủ xuất ngoại”. Thế là anh bàn với gia đình bán chiếc tàu 330CV được gần 700 triệu đồng rồi làm thủ tục đăng ký sang Hàn Quốc làm việc. Học xong cấp 3 nhưng Ngọc Anh cũng phải hết sức vất vả mới “nuốt” được giáo trình tiếng Hàn. Cũng may, nhờ đã nhuần nhuyễn nhiều khâu làm việc trên tàu cá và cố gắng học ngoại ngữ, anh cũng hòa nhập, tạo được mối quan hệ tốt với chủ tàu ở TP Yeosu, tỉnh Jeolla Nam (Hàn Quốc).
Sau một thời gian làm việc, mức lương của Ngọc Anh tăng dần. Những tháng cuối trước khi về Việt Nam, mức lương của anh là 2,5 triệu won (tương đương 2.200USD/tháng), làm 22 đến 25 ngày/tháng. Công việc của anh là đánh bắt mực trên một tàu có tải trọng 15 tấn, cùng với 4 người khác. Tàu chỉ đánh bắt trong vùng biển khoảng 3 đến 4 hải lý nên sáng đi chiều về; nếu chuyển sang vùng biển khác thì cũng chỉ làm việc trong ngày, ban đêm được nghỉ ngơi. “Công việc này khá nhẹ so với câu cá ngừ đại dương ở Việt Nam. Anh em bạn thuyền đối xử với nhau vui vẻ, bình đẳng. Chủ tàu quan tâm đến chế độ ăn uống, chỗ ở; quần áo thì có người giặt… Mấy năm làm bên Hàn Quốc, tôi gửi về gia đình được hơn 1,5 tỉ đồng. Mới về mấy tháng mà tôi đã thấy nhớ công việc của mình bên Hàn Quốc rồi”, Ngọc Anh nói.
Ngọc Anh cho hay: “Nhiều lần tôi chứng kiến cảnh anh em ngư dân đi xuất khẩu “chui” ở Hàn Quốc, họ rất cơ cực. Chủ yếu là người quê ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa,… làm việc trên các tàu đánh cá 7 đến 15 ngày/chuyến biển. Có người làm việc đến 22 giờ/ngày, lương chỉ 1 đến 1,2 triệu won/tháng. Lao động theo kiểu khổ sai, hết sức cơ cực nên nhiều người đã bỏ trốn, kiếm việc khác làm. Họ còn bị cảnh sát sở tại bắt rồi phạt. Nói chung, người lao động diện này chỉ cần đóng khoảng 150 triệu/người tại Việt Nam, không cần học ngoại ngữ là mấy công ty “ma” đưa sang Hàn Quốc ngay. Vậy nên muốn đi xuất khẩu đánh cá có thu nhập bài bản thì phải lựa chọn các đơn vị tuyển dụng có uy tín, rồi cố gắng học ngoại ngữ…”.
Theo Sở LĐ-TB-XH, Phú Yên có lượng người đi lao động xuất khẩu thuộc loại thấp ở miền Trung; trong đó chỉ có vài trường hợp lao động thuyền viên từ các năm trước, chưa có trường hợp đăng ký xuất khẩu thuyền viên mới. Còn theo ông Phan Thuẩn, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường 6, ngư dân tỉnh nhà ít mặn mà chuyện lao động xuất khẩu vì họ không muốn xa gia đình, vợ con; đặc biệt, do trình độ có hạn nên nhiều trường hợp đã không đáp ứng được yêu cầu nhân lực xuất khẩu. “Chỉ riêng “thủ tục” học tiếng nước ngoài, nhiều thanh niên ngư dân đã “oải”, rồi rớt khi sát hạch. Nhưng cũng nhờ suy nghĩ “chắc cú, thủ dẻo” mà ít trường hợp bị dính vào chuyện đi xuất khẩu lao động trái phép…”, ông Thuẩn nói.
ĐỨC TUẤN