Đoàn giám sát của HĐND tỉnh vừa tổ chức giám sát tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 155 của HĐND tỉnh về đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 tại huyện Đồng Xuân. Theo đoàn giám sát, nghị quyết này đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của huyện.
CHÚ TRỌNG ĐÀO TẠO NGHỀ
Theo ông Nguyễn Hữu Từ, Phó chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, 11/11 xã, thị trấn trong huyện đều thành lập ban chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 155 của HĐND tỉnh. UBND huyện luôn tạo mọi điều kiện để lao động nông thôn tham gia học nghề nhằm tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Qua đó từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của huyện, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong 5 năm qua, huyện Đồng Xuân đã đào tạo nghề cho 2.092 lao động nông thôn trên địa bàn, tập trung chủ yếu là các nghề: kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng nấm, chế biến món ăn, mây tre đan, kỹ thuật hàn, tin học văn phòng, điện dân dụng, sản xuất chậu cây cảnh, nuôi và phòng trị bệnh cho trâu bò, may thời trang, kỹ thuật trồng sắn, bắp, lúa, gia công cơ khí, hàn... Theo đó, từng bước nâng cao đời sống kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số của huyện. Chị Đào Thị Thoa (thị trấn La Hai), thổ lộ: “Trước đây, thời gian nhàn rỗi, tôi không biết làm gì. Nhờ được tham gia lớp học nghề mây tre đan mà tôi biết đan lát, có thêm thu nhập cho gia đình”.
Ông Trương Hoài Nam, Phó trưởng phòng LĐ-TB-XH huyện Đồng Xuân, cho hay, hàng năm, cán bộ làm công tác LĐ-TB-XH các xã, thị trấn và các thôn, khu phố đều được tập huấn để nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực quản lý tại địa phương. Phòng LĐ-TB-XH phổ biến sâu rộng các chủ trương, chính sách đào tạo nghề đến từng thôn, khu phố và người dân; tổ chức phiên giao dịch để người lao động tìm hiểu. Qua đó lựa chọn, đăng ký tham gia học nghề, phục vụ công tác giải quyết việc làm. Đồng thời các xã, thị trấn tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề đối với lao động nông thôn, phối hợp với cơ sở dạy nghề mở các lớp đào tạo nghề phù hợp với từng đối tượng.
CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN
Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Đồng Xuân hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Đó là, chất lượng đào tạo còn hạn chế, giáo viên vừa thiếu vừa yếu; tâm lý của người học nghề, học xong muốn có việc làm tại chỗ mà không muốn đi làm xa nhưng việc làm tại chỗ thì ít nên bị mai một tay nghề. Bên cạnh đó, Đồng Xuân là huyện miền núi có địa hình phức tạp nên việc mở lớp tại các xã, thị trấn và vận chuyển trang thiết bị, đi lại của giáo viên và người học nghề cũng gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Nguyễn Hữu Từ, khó khăn lớn nhất là một số lao động nông thôn, nhất là lao động trẻ chưa nhận thức được học nghề là một nhu cầu, một yếu tố cần thiết để đảm bảo cuộc sống cho bản thân, gia đình nên chưa quan tâm đến việc học nghề. Không ít người còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước nên chưa mặn mà trong việc học nghề. Bên cạnh đó, mức hỗ trợ tiền ăn cho đối tượng hộ nghèo, dân tộc thiểu số còn thấp nên chưa thu hút được người dân tham gia học nghề. Ngoài ra, một số cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn chưa thường xuyên chỉ đạo các thôn, khu phố và các hội, đoàn thể trong công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của đề án, quyền lợi và nghĩa vụ của người học nghề; chưa xác định được mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để tổ chức đào tạo và nhân rộng.
Chị Nguyễn Ngọc Bình, xã Xuân Quang 3, cho biết: “Thời gian đào tạo nghề cho các lớp nghề chỉ có ba tháng và dưới ba tháng là hơi ngắn, tay nghề chưa được vững vàng nên khó xin việc ở các cơ sở sản xuất lớn. Có người học nghề xong nhưng chỉ có thể phục vụ trong gia đình nên thu nhập thấp. Theo tôi, thời gian đào tạo cần tăng lên theo từng loại nghề và chú trọng hơn đến nâng cao tay nghề”.
Qua giám sát, đoàn ghi nhận sự nỗ lực thực hiện Nghị quyết 155 của HĐND tỉnh đối với huyện Đồng Xuân. Để khắc phục những hạn chế, khó khăn, trong thời gian đến, đề nghị lãnh đạo huyện tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề cho người dân; rà soát thực chất các đối tượng có nhu cầu học nghề. Đào tạo nghề phải gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, gắn với định hướng quy hoạch của địa phương. Ông Lê Thanh Đồng, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh |
PHONG NHÃ