Đất nước sau 30 năm đổi mới đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các mặt của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Trên mặt trận văn hóa tư tưởng, báo chí góp phần không nhỏ trong lĩnh vực đấu tranh, xây dựng, nêu gương điển hình tiên tiến, quảng bá cho những việc làm tốt, đấu tranh phản biện xã hội, phê phán cái xấu, ngăn ngừa cái ác.
Bên cạnh thành tựu đạt được to lớn thì vẫn còn có các hạn chế, một số cơ quan báo chí, nhà báo đã làm tổn hại đến danh dự, trách nhiệm cao quý của nghề cầm bút; xa rời tôn chỉ mục đích, chưa đi đúng quan điểm, chủ trương của báo chí cách mạng, phát triển nhiều về lượng mà chưa chú trọng đến chất. Do đó, trước yêu cầu thực tiễn của đất nước trong tình hình hiện nay, việc quy hoạch lại hệ thống báo chí nước nhà là việc làm cần thiết, mang tính cấp thiết. Quy hoạch báo chí là một công việc phức tạp, nhạy cảm có ảnh hưởng đến nhiều địa phương, nhiều cơ quan báo chí, đến đội ngũ người làm báo nên yêu cầu đặt ra là phải cẩn trọng, từng bước đi theo lộ trình mà Đảng, Chính phủ đã đề ra.
Định hướng quy hoạch báo chí cũng đã chỉ rõ quan điểm, mục tiêu, yêu cầu cho việc quy hoạch sao cho hệ thống báo chí nước nhà ngày càng phát triển, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, hướng đến mục tiêu năm 2025 phải phục vụ tốt cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Quy hoạch báo chí thực chất là sắp xếp lại hệ thống báo chí cho phù hợp hơn, hiện đại hơn, đáp ứng theo định hướng phục vụ tốt hơn cho đất nước, quốc gia, dân tộc. Quy hoạch báo chí quy định, đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ có ba cơ quan báo chí, đó là: Báo Đảng địa phương; Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, và Tạp chí Văn Nghệ (cơ quan chủ quản là Hội Văn học nghệ thuật địa phương).
Một số cơ quan báo chí lớn của Trung ương (Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân Dân, Báo Quân đội nhân dân, Báo Công an nhân dân) thực hiện theo mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện, nghĩa là một cơ quan báo chí có nhiều loại hình báo chí. Hiện chúng ta đang có bốn loại hình báo chí, đó là: báo in, báo hình, báo nói và báo điện tử. Ngoài ra, trong quy hoạch báo chí lần này, Đảng, Chính phủ chỉ rõ từng tổ chức chính trị - xã hội, liên hiệp hội, hội nhà văn có một cơ quan báo in và một tạp chí in (số lượng cụ thể), yêu cầu kênh truyền hình địa phương mỗi đài chỉ phát một kênh phát thanh và một kênh truyền hình…
Khẳng định của Bộ trưởng TT-TT là “Không thương mại hóa, không tư nhân hóa báo chí và không để tư nhân núp bóng báo chí, không để lợi ích nhóm chi phối, báo chí không cần nhiều mà cần tinh, chất lượng thật sự có khả năng chi phối, định hướng thông tin trong xã hội”.
Quy hoạch báo chí ban hành cùng với việc sắp tới Quốc hội thông qua Luật Báo chí sửa đổi, chúng ta có quyền tin tưởng rằng hệ thống báo chí nước nhà, cùng với các công cụ pháp lý, người làm báo, người quản lý báo chí… sẽ là những định hướng quan trọng, những công cụ hữu ích giúp cho sự nghiệp báo chí Việt Nam vững bước trên con đường hội nhập sâu, rộng, toàn diện, vững chắc. Báo chí góp phần cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân quyết tâm hoàn thành sứ mạng lịch sử mà chúng ta đang phấn đấu, đó là xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.
NGUYỄN HỮU BÌNH
Trưởng phòng Quản lý báo chí - xuất bản