Trong 5 năm qua, toàn tỉnh có hơn 37.600 hộ thoát nghèo; tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 7,72% vào cuối năm 2015, đạt 118% kế hoạch. Có được kết quả đó, ngoài việc thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo, Phú Yên cũng đã huy động toàn xã hội quan tâm hỗ trợ người nghèo.
CHUNG TAY CHĂM LO NGƯỜI NGHÈO
Trong các chính sách hỗ trợ người nghèo, bà con được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi ngày càng nhiều hơn và sử dụng nguồn vốn có hiệu quả trong sản xuất kinh doanh. Trong 5 năm, trên 141.000 lượt hộ được vay, với tổng số tiền là 2.261 tỉ đồng, hầu hết các hộ vay vốn đã có những chuyển biến tích cực về nhận thức, cách làm ăn, vươn lên làm ăn khá giả. Sở NN-PTNT Phú Yên đã phối hợp với các sở, ngành, cùng các địa phương thực hiện hỗ trợ giống vật nuôi, cây trồng cho 9.290 hộ nông dân nghèo phát triển sản xuất.
Bà Nguyễn Thị Lê, xã Đức Bình Tây (huyện Sông Hinh), hộ đông con, khó khăn qua chương trình hỗ trợ nay đã thoát nghèo. Bà Lê chia sẻ: “Tôi được hội nông dân và chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ bò cày, cho vay vốn làm ăn. Đến nay, gia đình trồng được 5ha mía, sắn, mè… cho thu nhập ổn định, có điều kiện xây dựng nhà cửa, con cái được học hành”.
Năm 2011, khi tỉnh và các huyện miền núi Đồng Xuân, Sơn Hòa triển khai mô hình trồng mía, nuôi bò giảm nghèo bền vững, nhiều hộ nghèo được Nhà nước hỗ trợ bò, cây giống, hướng dẫn kỹ thuật canh tác đã thoát nghèo. Gia đình ông K Pá Y Lét, xã Ea Chà Rang (huyện Sơn Hòa) là một ví dụ. Sau hơn 4 năm, giờ gia đình ông đã có cuộc sống ổn định. Y Lét khoe: Gia đình tôi giờ có thêm hai con bò sinh sản, hai con bò đực kéo cày và trồng được 3ha mía. Cả nhà ai cũng mừng vì có cái làm ăn, không còn đói nghèo”.
GIẢI PHÁP BỀN VỮNG
Để đạt mục tiêu chung trong công tác giảm nghèo, đầu năm 2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai mô hình “Cơ quan, đơn vị giúp đỡ xã, thôn (buôn) khó khăn, và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức giúp đỡ hộ nghèo”. Kết quả sau hơn một năm, hơn 3.000 hộ nghèo trong tỉnh được lựa chọn, giúp đỡ. Ðến nay, 15% số hộ cơ bản thoát nghèo; nhiều hộ có thu nhập ổn định. Các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh đã giúp đỡ 62 xã; trong đó có 19 xã miền núi đặc biệt khó khăn, 16 xã bãi ngang ven biển và 27 xã nghèo khó khăn bằng nhiều hình thức. Các huyện, thị xã, thành phố giúp đỡ 61 thôn, buôn với tổng kinh phí hơn 8 tỉ đồng.
Đồng chí Huỳnh Tấn Việt, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, cho biết: Chỉ hơn một năm triển khai mô hình này, tỉnh đã huy động công sức, trí tuệ và các nguồn lực xã hội giúp đỡ các xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn, hộ nghèo, tạo được hiệu ứng tốt trong xã hội và nhân dân. Cán bộ, đảng viên được phân công giúp đỡ hộ nghèo đã đề cao tinh thần trách nhiệm, chủ động tìm hiểu, từ đó đề xuất những biện pháp phù hợp, giúp các hộ nghèo từng bước vượt qua khó khăn.
Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh phấn đấu giảm tỉ lệ hộ nghèo từ 2 đến 2,2%/năm; phấn đấu đến cuối năm 2020 cơ bản xóa xong nhà ở tạm cho hộ nghèo. Trong đó, các giải pháp chủ yếu gồm: Các dự án phải được triển khai theo hướng tập trung, hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo và đi vào những nội dung, đối tượng cụ thể, ưu tiên hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Gắn công tác hỗ trợ vốn tín dụng với việc đào tạo, tập huấn hướng dẫn cách làm ăn, khuyến nông, lâm, ngư, dạy nghề, tạo điều kiện thuận lợi để hộ nghèo phát triển sản xuất, ổn định thu nhập và thực hiện xóa đói giảm nghèo theo hướng bền vững. Đối với các nhóm chính sách hỗ trợ người nghèo thì tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra giám sát nhằm giúp hộ nghèo tiếp cận các chính sách hỗ trợ hiện có...
Qua chương trình hỗ trợ người nghèo, 5 năm qua, toàn tỉnh có 837.020 lượt người nghèo, người đang sinh sống tại vùng đặc biệt khó khăn được cấp thẻ BHYT; hỗ trợ xây dựng 7.038 nhà cho hộ nghèo; hỗ trợ tiền điện cho 133.298 lượt hộ nghèo. Ông Võ Văn Binh, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH, cho biết: Dự án đã giúp các hộ nghèo chủ động và có trách nhiệm hơn trong quá trình thực hiện, tránh được tư tưởng ỷ lại, trông chờ, sử dụng nguồn vốn hiệu quả, có công ăn việc làm, tăng thu nhập và ổn định đời sống. |
KIM CHI - VĂN TRÌNH