Sau 5 năm thực hiện, đề án “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước giai đoạn 2010-2015” không chỉ góp phần giáo dục đạo đức truyền thống, mà còn định hướng giá trị đạo đức mới, tạo dựng hình ảnh người phụ nữ Phú Yên nói riêng, phụ nữ Việt Nam nói chung trong thời kỳ hội nhập.
CHUYỂN BIẾN VỀ NHẬN THỨC
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 5 năm thực hiện đề án “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước giai đoạn 2010-2015” (gọi tắt là Đề án 343), Phó chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết cho biết: Sau 5 năm thực hiện, Đề án 343 đã được sự đồng thuận, hưởng ứng, ủng hộ của phụ nữ, nhân dân, các cấp, các ngành. Đề án đã đi vào thực tiễn cuộc sống, góp phần giáo dục đạo đức truyền thống cũng như định hướng giá trị đạo đức mới xây dựng văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Đồng thời tạo thành phong trào thi đua sôi nổi trong các tầng lớp phụ nữ Việt Nam về rèn luyện các phẩm chất đạo đức “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” gắn với việc đăng ký thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo xây dựng gia đình hạnh phúc” và việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Công tác tuyên truyền, giáo dục, triển khai các nội dung của Đề án 343 trong cán bộ, hội viên, phụ nữ, trong hệ thống trường học, trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như thông qua các hoạt động văn hóa thể thao và du lịch… đã tạo được bước chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò, vị trí của người phụ nữ trong gia đình và xã hội.
Là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Đề án 343 của Phú Yên và là đơn vị chủ trì thực hiện tuyên truyền Đề án 343 trong cán bộ, hội viên, phụ nữ, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo hội LHPN 9 huyện, thị, thành phố và các đơn vị trực thuộc tuyên truyền, quán triệt các nội dung của đề án đến 100% cơ sở hội trong tỉnh. Theo thông tin từ Hội LHPN tỉnh, từ năm 2010 đến nay, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức tập huấn cho trên 600 cán bộ hội chuyên trách các cấp và tuyên truyền viên cấp cơ sở; biên soạn và phát hành trên 10.800 tờ tin “Phụ nữ Phú Yên” để tuyên truyền công tác hội cũng như các nội dung đề án. Đồng thời tổ chức truyền thông 184 nhóm trực tiếp tại 112 xã, phường, thị trấn với 9.200 hội viên, phụ nữ tham gia. Đến nay, 87% hội viên và 70% phụ nữ trong tỉnh được tiếp cận các nội dung của đề án…
Hoạt cảnh tuyên truyền nâng cao kiến thức pháp luật về bình đẳng giới cho phụ nữ cơ sở theo Đề án 343 - Ảnh: N.DUNG |
PHỐI HỢP HIỆU QUẢ
Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT cũng đã tổ chức 15 lớp tập huấn cho cán bộ phụ trách công tác nữ, nữ công toàn ngành và Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các địa phương; tổ chức chiến dịch “Cùng chia sẻ” để giáo dục giới tính, sức khỏe tình dục, giáo dục phẩm chất đạo đức cho học sinh lứa tuổi vị thành niên; Sở TT-TT hướng dẫn các cơ quan thông tấn báo chí triển khai công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông; xây dựng các chuyên trang trên báo in, báo điện tử, các chuyên mục trên sóng phát thanh, truyền hình, tuyên truyền tích cực các nội dung của đề án. Sở VH-TT-DL cũng đã tổ chức tập huấn, tuyên truyền, thành lập 261 CLB “Gia đình phát triển bền vững”, in và phát hành 16.000 tài liệu; trong đó đưa 4 tiêu chí phẩm chất đạo đức của người phụ nữ Việt Nam thời kỳ CNH-HĐH đất nước đi vào chiều sâu nhận thức của cộng đồng. Cùng với đó là các cuộc thi “Tuyên truyền phẩm chất đạo đức của phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước”, “Liên hoan hát ru, hát dân ca ca ngợi phẩm chất đạo đức của phụ nữ Việt Nam”, cuộc thi viết về “Những tấm gương phụ nữ trong kháng chiến, giải phóng dân tộc thống nhất đất nước và những tấm gương phụ nữ Phú Yên “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” (Hội LHPN tỉnh tổ chức), “Nữ duyên dáng ngành GD-ĐT”; “Tìm hiểu về bình đẳng giới, nữ công, công tác gia đình và phẩm chất đạo đức phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước” trong trường học (Sở GD-ĐT tổ chức), “Ngày hội gia đình hạnh phúc” (Sở VH-TT-DL tổ chức)... cũng đã góp phần tích cực trong việc tuyên truyền, giữ gìn và phát huy phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam trong thời hiện đại.
Chị Nguyễn Thị Thu Mai, hội viên phụ nữ ở khu phố Phú Hiệp 3 (thị trấn Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa), chia sẻ: “Tôi luôn tâm niệm bản thân mình phải sống tích cực, có ích cho gia đình và xã hội. Vì vậy, tôi và gia đình luôn chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Hàng ngày, tôi sống rất lạc quan, vui vẻ và tham gia các hoạt động của địa phương, thực hiện tốt các phong trào, nhiệm vụ của hội. Tham gia sinh hoạt hội, nhất là khi biết về Đề án 343, tôi càng có ý thức mình phải sống có ý nghĩa, có trách nhiệm với gia đình và xã hội”.
Hiện nay, đời sống vật chất của chúng ta đã tiến bộ rất nhiều, nhưng nếu chỉ vật chất giàu có lên, mà đạo đức xã hội không tốt thì chắc chắn chúng ta không thể hạnh phúc. Đó không phải là mục tiêu sống của từng người, cũng như không phải là mục tiêu phát triển của một đất nước. Vì vậy, Đề án 343 cộng với nhiều đề án khác, nhiều việc làm khác sẽ nhân lên cái tốt và hạn chế cái xấu. Những giá trị đạo đức xã hội tốt đẹp mà chúng ta đang thực hiện và hướng đến sẽ góp phần làm cho xã hội tốt đẹp hơn.
Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam |
LAN KHANH