Thứ Bảy, 02/11/2024 19:30 CH
Chàng sinh viên mù mong viết tiếp ước mơ giảng đường
Thứ Sáu, 25/09/2015 08:54 SA

Phú xoa bóp chân cho ba bị tai biến những ngày trước khi trở lại trường đại học - Ảnh: T.QUỚI

Giữa làng quê vùng biển thôn Phú Lạc, xã Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa) khá trù phú là ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ chưa từng được sửa sang của vợ chồng ông Trần Thực (68 tuổi, đang bị tai biến nằm một chỗ) và bà Đỗ Thị Kiển (63 tuổi) mất sức lao động vì bệnh tim và tiểu đường). Câu chuyện càng trở nên bi đát hơn khi trong ngôi nhà ấy có người con trai mù cả hai mắt học năm thứ hai Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh, đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn để thực hiện ước mơ trở thành cử nhân Tâm lý học.

 

NGHỊ LỰC CỦA CẬU BÉ MÙ

 

Cô Bùi Thị Diệp Anh, giáo viên chủ nhiệm suốt những năm học tại Trường chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP Đà Nẵng), cho biết: Trần Phú là học sinh rất đặc biệt, mù cả hai mắt, lại mang nhiều bệnh tật. Mặc dù gia cảnh khó khăn, nhưng em có một nghị lực hơn người, quyết tâm vượt lên số phận. Phú vừa học, vừa làm thêm tự trang trải cuộc sống, nhưng luôn là học sinh giỏi, đạt nhiều giải thưởng. Em là tấm gương về nghị lực sống.

Sinh ra trong một gia đình nghèo, đông con, từ nhỏ cậu bé Trần Phú (sinh năm 1988) đã có tính tự lập. Những năm tiểu học, Trần Phú luôn là học sinh giỏi của trường. Nhưng rồi số phận nghiệt ngã ập đến với em. Liên tục những cơn đau hành hạ, mắt mờ dần mờ dần. Năm học lớp 6, một con mắt của Phú tối hẳn. Vợ chồng ông Thực vét hết số tiền dành dụm được và vay ngân hàng 5 triệu đồng để đưa Phú vào TP Hồ Chí Minh chạy chữa.

 

Trần Phú mắc căn bệnh viêm mống mắt, khô dây thần kinh. Cuộc đời, ước mơ như đóng sập lại với cậu bé đang ở tuổi 12 như Phú. “Lúc ấy, em chìm trong vô vọng, hoàn toàn bế tắc, thậm chí còn nghĩ quẩn”, Phú nhớ lại. Nhưng cuộc sống vẫn phải tiếp diễn. Gạt đi những giọt nước mắt buồn tủi số phận, Phú tập làm quen với thế giới không màu sắc. Rất may, năm học đó, tỉnh thành lập Trường Niềm Vui (nay là Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Phú Yên), Phú nằng nặc đòi ba mẹ chở ra Tuy Hòa để tiếp tục học chữ dành cho người khiếm thị.

 

Một cuộc sống mới, một thế giới mới không màu sắc nhưng đầy thú vị, lạ lẫm mở ra với cậu bé Trần Phú. Phú nhận ra chỉ có tri thức, hiểu biết mới là ánh sáng thực sự soi đường và giúp mình tự tin trước cuộc sống này. Với những người khuyết tật như Phú thì hành trình ấy thật gian nan. Và Phú tự động viên mình với suy nghĩ đầy lạc quan như những vần thơ do chính em sáng tác: Trên lối mòn đến trường/ Những giọt sương long lanh trên tán lá/ Những bông hoa nhỏ ẩn mình sau thảm cỏ xanh tươi/ Em đến trường thấy gió cũng cười/ Nắng từ ông mặt trời sau vòm cây lấp ló/ Bỗng xuân về thấy mình không còn nhỏ/ Thầm ước ao như hoa cỏ mùa xuân…

 

THẦN TƯỢNG NICK VUJICIC - NGƯỜI KHÔNG TAY KHÔNG CHÂN

 

Những người bạn cùng lớp, cùng cảnh ngộ như Phú đều lần lượt bỏ học giữa chừng. Trần Phú không như vậy. Sau khi học hết lớp 5 ở Trường Niềm Vui, Phú tìm cách liên hệ với trường chuyên biệt dành cho người khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu (TP Đà Nẵng) để tiếp tục giấc mơ con chữ và tri thức. Vừa học chữ nổi, Trần Phú vừa theo học hòa nhập ở Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền.

 

Cuộc sống nơi đất khách quê người, với một người mù như Phú càng gặp vô vàn những khó khăn, chướng ngại. Ngoài giờ học trên lớp, Trần Phú liên hệ làm thêm bằng cách đi bán tăm, bán viết, làm ở các cơ sở xoa bóp, bấm huyệt để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Nhờ người sáng mắt giúp đỡ, nhiều đêm em đi rảo bán hàng mỏi cả chân, thu nhập chẳng bao nhiêu, nhưng Phú vẫn không nản chí, vì em biết lúc này chỉ cần một suy nghĩ chùn bước sẽ phá hỏng cả tương lai.

 

Vừa học, vừa làm, vừa chống chọi với bệnh tật, vậy nhưng thành tích học tập của Phú luôn trong tốp đầu của lớp. Em còn tích cực tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, thi đấu thể thao dành cho người khuyết tật. Trong căn phòng chật chội, Phú treo đầy những giấy khen của Tỉnh đoàn Phú Yên, Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng như: Giải nhất cuộc thi viết Văn cấp TP Đà Nẵng năm học lớp 9 và lớp 11, giải nhì năm lớp 10 và 12; đạt một giải nhất, một giải nhì trong Cuộc thi viết thư UPU cấp TP Đà Nẵng… Trong số đó, Phú vẫn còn nhớ mãi bài thi tự luận môn Văn với nội dung về hình tượng người mẹ. Trong bài viết của mình, ngoài phân tích, cảm nhận hình tượng người mẹ trong văn học, Phú đã đưa chính hình ảnh vất vả, tảo tần của mẹ mình đêm hôm phải đi đạp lưới rớ để nuôi các con; lồng vào đó là cảm xúc của một đứa con trai tật nguyền không thể đỡ đần cho mẹ đã khiến bài văn của em chinh phục được ban giám khảo.

 

Học giỏi đều các môn, nhưng thế mạnh của Phú là các môn xã hội. Thần tượng của Trần Phú là Nick Vujicic - người không tay không chân nhưng bằng nghị lực phi thường, cách sống lạc quan, Nick Vujicic đã làm chủ được cuộc sống của mình và trở thành biểu tượng của nghị lực vươn lên. Chính tấm gương thần tượng ấy đã tiếp thêm nghị lực, lòng quyết tâm cho Phú và kết quả học tập trong những năm học phổ thông, cũng như đậu vào Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh là minh chứng sinh động về sự vượt khó của Phú.

 

KHÓ KHĂN CHỒNG CHẤT

 

Ngày biết tin em đỗ vào đại học, nhà trường, xóm làng, ba mẹ, anh chị em Phú đều mừng đến rơi nước mắt. Dĩ nhiên Phú là người vui mừng hơn cả, nhưng cũng là người lo lắng hơn hết. Bởi em phải tự lo liệu cho cuộc sống phía trước vì ba mẹ đã không đủ sức lo cho em. Mừng cho Phú đậu đại học, ông Thực tất tả chở con ra Sở GD-ĐT Phú Yên trình bày hoàn cảnh và xin hỗ trợ.

 

Khi Phú học chưa xong học kỳ 1 năm nhất, còn cô em gái đang học năm cuối Trường đại học Quy Nhơn thì ông Thực bị tai biến nằm một chỗ, nói không ra lời. Trong khi đó, bà Kiển cũng cùng kiệt bởi bệnh tim và tiểu đường hành hạ. Kinh tế gia đình vô cùng túng quẫn. Đến nỗi giờ đây, số tiền trợ cấp xã hội hàng tháng dành cho người khuyết tật (360.000 đồng/tháng), Phú cũng nhường lại để phụ mẹ nuôi ba, còn bản thân em phải nỗ lực hơn nữa để tự lo cho việc học và trang trải cuộc sống. Chị Mốt, một người hàng xóm, cho hay: “Gia đình cháu bản thân em thiệt khó, các chị gái lấy chồng gặp cảnh nghèo chẳng giúp gì cho cha mẹ, em út. Phú có nghị lực, nhưng trước mắt là khó khăn chồng chất, khó vượt qua nếu không có sự trợ lực của những tấm lòng hảo tâm”.

 

Để duy trì sự học, hàng ngày, sau giờ học, Phú nhờ bạn đưa ra xe buýt đến các chợ để bán tăm, bút viết... Nhiều người thương cảnh nghèo, khâm phục nghị lực của cậu sinh viên tật nguyền nên vừa mua vừa ủng hộ, mỗi buổi chợ Phú kiếm được 50.000 đến 70.000 đồng. Khó khăn chồng chất, bủa vây nhưng kết quả học tập của năm học đầu tiên đại học của Phú rất ấn tượng với điểm bình quân trên 8.0; nhiều môn học khó nhưng Trần Phú đạt điểm cao ngất ngưỡng: Tiếng Anh (9 điểm), Giải phẫu và tâm lý hoạt động thần kinh cấp cao (9 điểm), Chủ nghĩa Mác - Lênin (9 điểm), Logic học đại cương (9,5 điểm)…

 

Sinh viên Phạm Thị Hiền, quê ở Đắk Nông, nói: “Anh Phú là sinh viên đặc biệt và một nghị lực lớn. Trên lớp, bài chưa hiểu ảnh hỏi lại thầy, hỏi thêm bạn, tụi em thường giúp đọc lại bài giảng, giáo trình để anh Phú ghi âm về nhà nghe lại”. Xác nhận hoàn cảnh của cậu sinh viên Trần Phú, Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp Nam Ngô Tận cho biết: “Trần Phú đúng là sinh viên đặc biệt của xã. Gia đình thuộc diện hộ nghèo, bị tật nguyền, cha mẹ mắc bệnh hiểm nghèo nhưng em vẫn quyết tâm học để thay đổi số phận. UBND xã luôn thực hiện tốt các chế độ, quan tâm đến gia đình này trong những đợt cứu trợ, chương trình từ thiện xã hội của các tổ chức, cá nhân”.

 

Bước vào năm học thứ hai đại học, chàng sinh viên mù Trần Phú vẫn vẹn nguyên quyết tâm và nghị lực. Mong lắm những tấm lòng hảo tâm, những bàn tay nhân ái giúp cho cho Trần Phú viết tiếp ước mơ giảng đường. Mọi sự ủng hộ, xin gửi về địa chỉ: Trần Phú (Trần Thực - Đỗ Thị Kiển), thôn Phú Lạc, xã Hòa Hiệp Hiệp Nam, huyện Đông Hòa (Phú Yên). ĐT: 0905886624. 

 

TRẦN QUỚI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek