Đoàn công tác của Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) vừa làm việc tại Phú Yên về tình hình hoạt động của các tổ chức PCPNN trên địa bàn tỉnh, giai đoạn từ năm 2013 đến tháng 6/2015. Đoàn đã đánh giá cao những nỗ lực của Phú Yên trong việc triển khai công tác PCPNN và cho rằng công tác này đã góp phần giải quyết các vấn đề xã hội của địa phương.
NHIỀU TỔ CHỨC, DỰ ÁN ĐẾN PHÚ YÊN
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Quang Nhất, giai đoạn từ năm 2013 đến tháng 6/2015, thực hiện Quyết định 40 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2011-2015 và những năm tiếp theo, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tích cực tìm các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, đáp ứng mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân; trong số này có nguồn lực từ các chương trình, dự án viện trợ của các tổ chức PCPNN. Theo đó, nhiều tổ chức, dự án đã được vận động hỗ trợ, nhiều nhất là các chương trình liên quan đến giáo dục. Địa bàn thực hiện tập trung ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn còn khó khăn nên thiết thực góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, giảm nghèo tại các địa phương có các tổ chức, dự án tham gia triển khai.
Ông Ngô Văn Quỳ, Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh, cho biết: “Với vai trò là cơ quan đầu mối ở tỉnh về công tác PCPNN, chúng tôi luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức PCPNN vào thăm, khảo sát, triển khai các chương trình, dự án viện trợ nhân đạo trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2013 đến tháng 6/2015, toàn tỉnh có 21 tổ chức hoạt động với 6 nhóm, bao gồm: y tế, GD-ĐT, hoạt động về hỗ trợ các vấn đề xã hội; lĩnh vực phòng ngừa thảm họa; văn hóa, thông tin, truyền thông; tình nguyện viên. Các chương trình, dự án đã mang lại hiệu quả thiết thực trong phát triển giáo dục; hỗ trợ về cơ sở vật chất, học sinh, sinh viên thiệt thòi, người khuyết tật, cải thiện hệ thống y tế cộng đồng…”.
Ông Y Phước, Trưởng buôn Hố Hầm, xã Hòa Hội (huyện Phú Hòa), cho biết, nhờ các tổ chức PCPNN hỗ trợ bộ cồng chiêng và các thiết bị âm thanh phục vụ lễ hội, buôn đã có thêm điều kiện gìn giữ, phát huy bản sắc dân tộc. Còn em Trần Thị Mỹ Khoa, Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh, chia sẻ: “Các tình nguyện viên quốc tế đến với cơ sở giáo dục đã tạo điều kiện cho em và các bạn có cơ hội giao lưu với người nước ngoài, nâng cao kỹ năng giao tiếp và hiểu hơn về văn hóa của các nước bạn”.
Tổ chức Loreto (Úc) hỗ trợ xe đạp cho các em học sinh nghèo của TX Sông Cầu - Ảnh: T.THẢO |
TĂNG CƯỜNG MỐI QUAN HỆ
Cũng theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Quang Nhất, những năm qua, các tổ chức PCPNN hoạt động tại tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, dự án theo cam kết trên tinh thần hợp tác, góp phần tăng cường mối quan hệ giữa tỉnh với các tổ chức này. Dự kiến trong tháng 10/2015, Phú Yên sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến vận động viện trợ PCPNN để thêm các đối tác tiềm năng, tăng nguồn vốn viện trợ PCPNN giúp người dân những vùng còn khó khăn hưởng lợi nhiều hơn.
Bà Trish Franklin, Giám đốc điều hành tổ chức Loreto (Úc), cho biết: “Phú Yên còn nhiều nơi rất nghèo, khó khăn nên chúng tôi quyết định vận động hỗ trợ cho tỉnh. Chương trình hỗ trợ của chúng tôi liên quan đến giáo dục là chính. Tinh thần làm việc của hai bên là tích cực hợp tác, tăng cường tình hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau”. Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Nhài, đại diện Tổ chức AEA (Pháp) tại Việt Nam, AEA hoạt động ở Phú Yên từ năm 2006. Năm nay là năm thứ hai AEA hỗ trợ dự án “Liên kết cộng đồng hỗ trợ giáo dục và phát triển toàn diện trẻ mầm non” tại xã Hòa Hội (huyện Phú Hòa), giúp cho nhiều phụ huynh, nhất là người dân tộc thiểu số, có kỹ năng nuôi dạy con tốt. Dự án này sẽ tiếp tục được triển khai đến hết năm 2016.
Theo ông Nguyễn Trung Dũng, Phó trưởng ban Điều phối viện trợ nhân dân, viện trợ của các tổ chức PCPNN cần phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược xóa đói, giảm nghèo của cả nước, phù hợp với quy hoạch và ưu tiên phát triển theo ngành, của từng địa phương, hỗ trợ những nỗ lực giảm nghèo và phát triển bền vững của Chính phủ Việt Nam. Phú Yên đã bám sát những chỉ đạo, định hướng từ Trung ương. Đoàn đánh giá cao công tác PCPNN của Phú Yên, nhất là công tác cấp giấy đăng ký hoạt động với thủ tục nhanh, gọn. Tỉnh cũng đã cùng với đối tác chia sẻ kinh nghiệm trong giai đoạn triển khai, không phát sinh những vấn đề ngoài cam kết. Ngoài ra, Phú Yên biết xây dựng các dự án để bán cho các đối tác tìm nguồn hỗ trợ. Đây là tín hiệu vui và đúng mục đích của việc vận động viện trợ các tổ chức PCPNN là quan hệ đối tác hai bên cùng có lợi chứ không phải cơ chế xin - cho.
Giai đoạn 2013 đến tháng 6/2015, toàn tỉnh Phú Yên có 21 tổ chức PCPNN hoạt động, bao gồm: 4 tổ chức hoạt động về y tế (Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam; Hiệp hội Tình thương Agape - Hàn Quốc; Tổ chức Marie Stopes quốc tế - Anh; Hành động vì trẻ em - Thụy Sĩ); 8 tổ chức hoạt động về GD-ĐT (Đông Tây Hội Ngộ - Mỹ; Tổ chức Loreto - Úc; Trẻ em hòa bình quốc tế - Mỹ; Hội Hoa hướng dương - Mỹ; Hiệp hội Hỗ trợ và hành động - Pháp; Hội Khoan dung Hàn Quốc; Quỹ Lawrence S.Ting - Đài Loan; Liên đoàn Nghệ thuật dân gian Chungbuk - Hàn Quốc); 3 tổ chức hoạt động về hỗ trợ các vấn đề xã hội (Quỹ Giao lưu văn hóa châu Á - Hàn Quốc; Hội Hữu nghị Việt - Pháp; Quỹ Hội thảo phát triển của Pháp); 4 tổ chức hoạt động lĩnh vực phòng ngừa thảm họa (Chữ thập đỏ Na Uy, Chữ thập đỏ Mỹ, Chữ thập đỏ Đức, Chữ thập đỏ Hà Lan); một tổ chức hoạt động lĩnh vực văn hóa, thông tin, truyền thông (Quỹ Châu Á - Mỹ) và một tổ chức hoạt động lĩnh vực tình nguyện viên (Hiệp hội Đoàn kết tuổi trẻ - Pháp). Tổng giá trị viện trợ gần 2 triệu USD; trong đó, năm 2013 hơn: 715.500 USD, năm 2014 hơn 654.190 USD; ước thực hiện năm 2015 hơn 587.763 USD. Bình quân giá trị viện trợ là 652.484 USD/năm. (Nguồn: Báo cáo của UBND tỉnh) |
PHONG NHÃ