Thỉnh thoảng trên đường phố Tuy Hòa, người ta gặp hai vợ chồng người tỉnh Bến Tre đi bán hàng đặc sản. Đó là một trong rất nhiều người bán hàng rong ngoại tỉnh, chọn Phú Yên làm điểm đến cho mỗi chuyến làm ăn.
BÁN HÀNG ĐẶC SẢN
Những người bán hàng rong từ các tỉnh xa thường mang đến Phú Yên một số mặt hàng đặc sản nhất định. Mặc dù TP Tuy Hòa không nhộn nhịp như các thành phố lớn nhưng các sản phẩm này vẫn thu hút được khá nhiều người mua. Vì vậy mà đội ngũ bán hàng rong này cũng khá đông đảo.
Chị Phạm Tú Quyên và chồng thuộc nhóm bán hàng đặc sản Bến Tre. Chị Quyên cho biết, ở quê nhà Bến Tre của chị, ruộng vườn ít nên công việc làm ăn rất khó khăn. Để có tiền trang trải cho cuộc sống, chị phải đi đến các thành phố khác để buôn bán, kiếm sống. Địa điểm mà chị và những người cùng quê khác hay “cắm chốt” là TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, khi mùa mưa đến, buôn bán ế ẩm, cạnh tranh khó khăn, vợ chồng chị và 10 người khác rời thành phố, xuôi về các tỉnh lẻ để buôn chuyến. Mỗi chuyến đi như vậy kéo dài gần hai tháng.
Chị Quyên chia sẻ, chị làm công việc này đã hơn 5 năm. Năm nào cũng vậy, khi miền Nam bắt đầu mùa mưa là vợ chồng chị cùng chiếc xe tải 10 tấn chở hàng đặc sản Bến Tre lại chuyển bánh để đi về các tỉnh. Cùng đi với họ là những người bà con, anh em trong xóm. Trên chuyến xe có hơn 10 người, những người bán hàng này ngược ra các thành phố của miền Trung. Điểm đến của họ từ Đồng Nai đến Nghệ An. Tại mỗi tỉnh, một số người bán hàng ở lại thuê nhà trọ buôn bán, số khác lại đi tỉnh khác. Trên những chiếc xe đẩy, những người bán hàng treo lủng lẳng từ thức này đến thức nọ và hòa vào dòng người trên phố. Họ chỉ về quê khi nào đã bán hết hàng hóa.
Không chỉ những người đến từ miền Nam như vợ chồng chị Quyên và những người bạn, đội ngũ bán hàng rong đến Phú Yên còn từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Đông đảo nhất là những người quê ở tỉnh Quảng Ngãi, họ mang theo trên vai cửa hàng di động gồm kính mắt, chìa khóa, ví tiền, các loại đồ chơi, quẹt lửa…; người đến từ tỉnh Bình Định thì bán bánh tráng, bánh men, các loại sợi bún, miến, chổi lông gà; người Quảng Nam bán hủ tiếu, mùng mền; người miền Tây đi bán các loại cây ăn trái… Tuy đến từ nhiều tỉnh khác nhau nhưng những người bán hàng rong đều vất vả bươn chải. Họ làm việc nhiều giờ trong ngày, đi nhiều nơi và tiết kiệm tối đa trong việc chi tiêu để có tiền gửi về cho gia đình.
TIẾT KIỆM CHI TIÊU TỐI ĐA
“Xóm trọ” của những người bán hàng rong nằm khu vực phía sau của bến xe Thuận Thảo (TP Tuy Hòa). Dãy trọ nằm trong con hẻm nhỏ, mỗi phòng có từ ba đến bốn người ở. “Chúng tôi rủ những người cùng quê ở chung phòng để chia chi phí thuê phòng cho rẻ. Việc buôn bán không phải lúc nào cũng thuận lợi nên chúng tôi phải chắt bóp, sống cơ cực lắm, mới dành dụm được ít tiền gửi về cho chồng con”, một người phụ nữ đứng tuổi đến từ huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi), cho biết.
Một ngày của những người bán hàng rong bắt đầu từ rất sớm. Họ nấu cơm và ăn uống tại nhà trọ, sau đó bắt đầu tỏa ra khắp nơi. Những người bán hàng theo kiểu buôn gánh bán bưng sẽ đi riêng lẻ một mình ở ngay thành phố; còn những cặp vợ chồng bán màn sáo, mùng mền thường đi xa về các vùng quê để bán hàng.
Một buổi chiều mưa tầm tã ở phường Phú Đông (TP Tuy Hòa), tôi gặp đôi vợ chồng người bán màn sáo trú mưa trong một quán nước nhỏ ven đường. Trong lúc đợi cơn mưa tạnh hạt, người phụ nữ cho biết mình tên Phùng, từ Quảng Nam vào Phú Yên buôn bán hơn 1 năm nay. Chị Phùng có 3 đứa con. Đứa con trai lớn của chị vừa tốt nghiệp đại học và đang làm việc tại TP Hồ Chí Minh, 2 đứa con nhỏ vẫn đang đi học. Để có tiền lo cho các con, mỗi năm khi hết mùa vụ ở quê, chị Phùng cùng chồng vào Phú Yên bán màn sáo, giàn mùng. Những mặt hàng này, chị Phùng lấy tận gốc, bán tận ngọn nên nếu một ngày bán được một bộ cũng kiếm được 100.000 đến 200.000 đồng. Chịu khó đi nhiều mỗi ngày cũng bán được hai đến ba bộ. Trừ chi phí đi lại, ăn ở mỗi tháng, vợ chồng chị Phùng cũng kiếm được 5 triệu đồng gửi về quê cho các con.
Những người bán hàng rong sợ nhất là những khi trái gió trở trời. “Hễ có ốm đau nghỉ vài ngày là coi như buôn bán cả tháng lời lãi không được mấy. Cho nên, để dự phòng cho những ngày này, chúng tôi chỉ dám chi tiêu những món thật cần thiết, dè sẻn được mức nào hay mức đó. Ấy là tâm lý chung của những người bán hàng rong”, chị Phùng nói trước khi chất hàng trở lại xe. Bên ngoài quán, cơn mưa chiều cũng bắt đầu tạnh…
THÁI HÀ