Cùng với nhiều chính sách trợ giúp cho người nghèo, chính sách dạy nghề, tạo việc làm để người nghèo có thu nhập ổn định được tỉnh triển khai. Nhờ vậy, đời sống của người nghèo từng bước được thay đổi.
Phụ nữ xã Sơn Nguyên (huyện Sơn Hòa) tham gia lớp nghề cắt may gia dụng - Ảnh: K.CHI |
KHI NGƯỜI NGHÈO CÓ NGHỀ
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB-XH, trong giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh có 4.493 người nghèo được hỗ trợ học nghề với các lớp nghề: hàn, điện dân dụng, may công nghiệp, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cảnh, dán ốc nổi mỹ nghệ, sản xuất mây tre đan, kỹ thuật khai thác mủ cao su, sản xuất chậu cảnh bon sai… Hầu hết lao động nông thôn sau khi học nghề đều áp dụng vào cuộc sống, góp phần ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Chị Nguyễn Thị Huyền ở xã Xuân Sơn Nam (huyện Đồng Xuân), nói: “Gia đình tôi chủ yếu làm nông, đời sống khó khăn, thiếu thốn. Tôi được cơ sở mây tre đan ở huyện tạo điều kiện học nghề và nhận hàng về nhà làm gia công nên có thêm thu nhập”. Còn chị Lê Thị Liễu ở xã Sơn Nguyên (huyện Sơn Hòa), sau 3 tháng học lớp cắt may gia dụng do huyện tổ chức đã vui vẻ khoe “sản phẩm đầu tay” của mình. Vốn mê nghề may từ thời con gái nhưng do gia đình nghèo nên chị Liễu không có điều kiện học nghề. Được Nhà nước hỗ trợ cho học nghề miễn phí và có máy may làm việc, chị Liễu chăm chỉ học với mong muốn có một cái nghề để ổn định cuộc sống. Chị Liễu chia sẻ: “Học được nghề may, tôi sẽ may vá thêm lúc rỗi rãi, nông nhàn để kiếm thêm thu nhập”.
Theo ông Bùi Văn Hợp, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Đồng Xuân, trong năm 2014, trung tâm đã đào tạo nghề mây tre đan cho 160 lao động; từ đầu năm đến nay, gần 200 lao động được đào tạo và được doanh nghiệp tư nhân sản xuất gia công chế biến hàng mây tre đan tại thị trấn La Hai và các xã lân cận thu nhận vào làm việc, với mức thu nhập từ 1,2 triệu đồng/người/tháng đối với lao động mới vào; lao động có tay nghề cao hơn, mức thu nhập từ 2,2 đến 2,5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Lê Văn Phổ, Trưởng phòng Dạy nghề (Sở LĐ-TB-XH), cho biết: Với mục tiêu đào tạo nghề gắn với giải quyết, tạo việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp, nên việc lựa chọn ngành nghề, đối tượng đào tạo luôn được các cơ sở dạy nghề quan tâm và phối kết hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức hội đoàn thể và các cơ sở sản xuất.
NHÂN RỘNG CÁC MÔ HÌNH DẠY NGHỀ
Đề án Đào tạo nghề cho lao động nghèo ở nông thôn được các địa phương coi đó là hướng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, nhiều hạn chế, tồn tại vẫn còn như: Công tác quảng bá, tiếp cận thị trường lao động, liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn để thu hút lao động sau khi học nghề còn hạn chế; công tác tuyển sinh đào tạo nghề cho người nghèo còn thấp, do một bộ phận người lao động là hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa, nhất là vùng dân tộc thiểu số còn khó khăn về kinh tế, ở cách xa cơ sở dạy nghề, nên chưa tích cực tham gia học nghề. Mức hỗ trợ tiền ăn, đi lại cho đối tượng hộ nghèo đi học nghề quá thấp, trong khi điều kiện của các đối tượng rất khó khăn, nên ảnh hưởng đến công tác vận động đối tượng hộ nghèo tham gia học nghề.
Chính vì vậy, trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, dự án Đào tạo nghề cho lao động nghèo ở nông thôn đã trở thành một hợp phần quan trọng của chương trình. Cách tiếp cận là tạo cơ hội để người nghèo có thể tham gia các hình thức đào tạo nghề ngắn hạn phù hợp, thông qua các cơ sở đào tạo nghề, qua các doanh nghiệp để học nghề trực tiếp, để có việc làm, tăng thu nhập cho gia đình, vượt qua đói nghèo. “Sở LĐ-TB-XH cũng như các trường, trung tâm dạy nghề trong toàn tỉnh phấn đấu tiếp tục thực hiện, nhân rộng các mô hình dạy nghề có hiệu quả, gắn dạy nghề với phát triển các làng nghề và gắn với doanh nghiệp; chú trọng công tác đào tạo nghề cho các trang trại và một số nghề phi nông nghiệp, dịch vụ xã hội đang có nhu cầu sử dụng”, ông Võ Văn Binh, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH, cho biết.
KIM CHI