Những năm qua, nhờ thực hiện tốt các nghị quyết, kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội miền núi nên đời sống bà con thuộc các huyện miền núi thay đổi đáng kể.
CHÚ TRỌNG CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN
“Làm sao để người dân miền núi được hưởng lợi từ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước là một việc làm rất khó. Điều đó phải được cả hệ thống chính trị vào cuộc một cách đồng bộ, trong đó công tác vận động dân, giúp người dân hiểu và hưởng ứng là rất quan trọng. Vì vậy, trên cơ sở các nghị quyết, hướng dẫn của Tỉnh ủy, Ban Dân vận Trung ương, Ban Dân vận Tỉnh ủy ra nhiều văn bản hướng dẫn các cấp ủy cơ sở, các hội đoàn thể mà chủ chốt là Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp chủ trì phối hợp thực hiện”, Phó trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Huỳnh Hào cho biết.
Với vai trò chính trong công tác vận động người dân hưởng ứng thực hiện, MTTQ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức cùng với các nội dung sinh động, cụ thể như treo các băng rôn, khẩu hiệu ở nơi tập trung đông dân cư, đọc các bản tin trên hệ thống truyền thanh. Các sở, ban, ngành liên quan phối hợp, kết hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn thực hiện các chương trình, chính sách tại các cuộc họp dân cư, phổ biến việc tổ chức triển khai các nguồn vốn tại cơ sở và yêu cầu các địa phương định kỳ báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn theo quy định. Song song đó, công tác kiểm tra, giám sát của các ngành chức năng rất được chú trọng nên đã kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm đối với những trường hợp sử dụng vốn sai mục đích. Mặt khác, muốn người dân hiểu đúng, đầy đủ các chương trình, dự án đối với đồng bào, không chỉ tuyên truyền trên các hệ thống truyền thanh mà cán bộ dân vận các cấp còn đến tận nhà từng người dân, nhất là đối với một số chủ trương, chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số.
“Ngoài việc Ban Dân vận Tỉnh ủy ban hành các văn bản để hướng dẫn thực hiện, cán bộ làm công tác dân vận còn tăng cường bám sát cơ sở để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, từ đó giải quyết những vướng mắc, đề đạt lên cấp trên những vấn đề khó, nhất là đối với lĩnh vực dân tộc, tôn giáo”, ông Hào nhấn mạnh.
KẾT QUẢ ĐÁNG MỪNG
Sau nhiều năm nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, nhất là nhờ phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đến nay tất cả các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội miền núi đã thay đổi. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững, đại đa số nhân dân đồng tình, chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Nhiều vùng nguyên liệu như mía, sắn, cao su được hình thành, gắn với các nhà máy chế biến. Diện tích lúa nước và mô hình trang trại tiếp tục mở rộng với khoảng 60 trang trại. Công nghiệp và hoạt động thương mại dịch vụ phát triển. Tốc độ tăng GDP bình quân hàng năm khu vực miền núi từ 13,5 đến 14%; thu nhập bình quân đầu người từ 18 đến 24 triệu đồng, riêng khu vực đồng bào dân tộc sinh sống đạt 12 đến 14 triệu đồng/người. Tỉ lệ hộ nghèo bình quân vùng đồng bào dân tộc giảm từ 4 đến 5%. Các tuyến giao thông đi các huyện miền núi, các tỉnh Tây Nguyên được đầu tư nâng cấp như quốc lộ 25, 29 nối với các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk. Trục giao thông phía tây của tỉnh đã phát huy được nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Người dân được hưởng lợi về nhiều mặt như điện lưới quốc gia, nước sạch và nhiều lĩnh vực khác trong đời sống xã hội. Ví như đến nay, 100% thôn, buôn có điện, tỉ lệ hộ sử dụng điện đạt trên 99,5%. Nhiều giếng nước được dùng chung và có trên 20 công trình cấp nước tập trung, góp phần giải quyết nhu cầu nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được các cấp chính quyền, đoàn thể và toàn dân hưởng ứng phối hợp thực hiện tốt. Đến nay các huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh đều đạt bình quân từ 7,4 đến 10,2 tiêu chí của bộ tiêu chí chương trình. Một số xã như Đức Bình Tây, Sơn Giang (huyện Sông Hinh) đạt 13 đến 14/19 tiêu chí; Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) đạt 13/19 tiêu chí. Nhờ vậy, bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều khởi sắc, đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt. “Tôi thấy nhiều năm nay đời sống của người dân thay đổi nhiều. Đường sá đi lại thoải mái, sạch sẽ, điện sáng suốt đêm, trẻ em được đi học chữ, học nghề. Hệ thống nước được đầu tư xây dựng, người dân có nước để dùng, không còn phải vất vả như trước đây”, Lê Mô Y Nhóc, một người dân ở buôn Dành A (xã Ea Bia, huyện Sông Hinh), cho biết.
Kiểm tra việc thực hiện công tác dân vận vùng miền núi ở Phú Yên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Dân vận Trung ương Thào Xuân Sùng ghi nhận: Phú Yên với nhiều cách làm hiệu quả, thiết thực, sáng tạo trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo cũng như tổ chức thực hiện từ tỉnh đến cơ sở nên đã đạt nhanh, mạnh các chỉ tiêu đề ra đối với vùng miền núi của tỉnh. Nhìn chung, bộ mặt miền núi Phú Yên có nhiều thay đổi cơ bản, đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt”.
Vùng miền núi của Phú Yên có 45 xã, thị trấn thuộc 3 huyện Sơn Hòa, Đồng Xuân, Sông Hinh, có diện tích 3.679km2, chiếm 72% diện tích toàn tỉnh. Vùng này có 19 xã và 34 thôn, buôn đặc biệt khó khăn. Dân số khu vực miền núi hiện có 57.024 hộ/232.482 người, chiếm 26,18% dân số toàn tỉnh. Phú Yên có 31 dân tộc, trong đó có 30 dân tộc thiểu số, chủ yếu là các dân tộc Ê Đê, Chăm, Ba Na, Tày, Nùng, Dao, Thái, H’Mông…
HÀ ANH