Chính phủ vừa sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 70/NQ-CP của Chính phủ về thực hiện một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020. Theo đánh giá chung, nhiều chính sách an sinh xã hội đã được các bộ, ngành Trung ương, địa phương triển khai trong thời gian qua, giúp người nghèo bớt đi nỗi lo, gánh nặng mưu sinh trong đời sống.
“Tất cả đều là lo cho nhân dân, phải xem triển khai thực hiện nghị quyết này của Trung ương là nhiệm vụ chính trị trọng tâm thường xuyên. Chúng ta đã nhận thức, đã làm nhưng phải tiếp tục nhận thức tốt hơn, làm tốt hơn; từ nhận thức tốt để đề cao trách nhiệm, phấn đấu thực hiện”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh. |
HỘ NGHÈO ĐƯỢC TIẾP CẬN CÁC DỊCH VỤ XÃ HỘI
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Trung ương, giai đoạn 2012-2015, chứng kiến sự đổi thay mạnh mẽ trong xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách xã hội của nước ta, hệ thống chính sách, pháp luật tiếp tục mở rộng hơn quyền hưởng và mức hưởng các chế độ ưu đãi xã hội và an sinh xã hội cho người dân; các nguồn lực tham gia bảo đảm an sinh xã hội không ngừng được tăng lên; đời sống vật chất và tinh thần của người có công với cách mạng, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tiếp tục được cải thiện; lòng tin của nhân dân đối với đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ngày càng được củng cố và tăng cường.
Ông Võ Văn Binh, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phú Yên, cho biết: Nghị quyết 70 của Chính phủ về chính sách an sinh xã hội đã làm thay đổi nhận thức của lãnh đạo các cơ quan và người dân về vai trò của chính sách xã hội trong quá trình xây dựng, phát triển. Đặc biệt là các lĩnh vực: Chính sách người có công; việc làm; thực hiện chương trình giảm nghèo; bảo hiểm xã hội; trợ giúp xã hội; đảm bảo giáo dục - nghề nghiệp; đảm bảo y tế tối thiểu; nhà ở tối thiểu; nước sạch và vệ sinh môi trường; đảm bảo thông tin tối thiểu... được quan tâm thực hiện tốt.
Tại Phú Yên, phần lớn hộ nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Trong 4 năm (2011-2014), Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Phú Yên đã triển khai cho 75.082 hộ nghèo, cận nghèo vay vốn tín dụng với tổng số tiền hơn 1.300 tỉ đồng; 484.193 lượt người được cấp thẻ BHYT, trong đó có 315.081 lượt người nghèo và 169.112 lượt người là đồng bào dân tộc thiểu số; công tác khám, chữa bệnh được đưa về tuyến cơ sở xã, phường, thị trấn, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với các dịch vụ y tế, thuận lợi trong khám và chữa bệnh. Trong 3 năm qua, toàn tỉnh đã có hơn 608.000 lượt người nghèo được khám, chữa bệnh với tổng kinh phí hơn 102,9 tỉ đồng...
Thực hiện chính sách hỗ trợ giáo dục cho các nhóm đối tượng có điều kiện khó khăn theo Nghị định 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ, Phú Yên đã có 313.733 lượt học sinh được hỗ trợ với tổng kinh phí hơn 105 tỉ đồng. Toàn tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 4.784 nhà với tổng kinh phí hơn 101 tỉ đồng. Bên cạnh đó, thực hiện dự án Nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững, 32 mô hình, gồm 11 mô hình trồng trọt và 21 mô hình chăn nuôi được triển khai với 494 hộ nghèo tham gia, tổng kinh phí hỗ trợ là 5,5 tỉ đồng.
NHIỀU DỰ ÁN PHÁT HUY HIỆU QUẢ
Qua kiểm tra thực tế tại địa phương, đến nay, nhiều dự án bước đầu đem lại hiệu quả khá tốt, năng suất nuôi trồng tăng rõ rệt, nhiều hộ sau khi trừ các khoản chi phí đã thu lãi ròng hơn 30 triệu đồng/năm và có nhiều hộ nghèo tham gia dự án đã thoát nghèo bền vững.
Mô hình chăn nuôi bò sinh sản ở xã Đa Lộc (huyện Đồng Xuân) triển khai năm 2012 bước đầu có 15 hộ tham gia với tổng số vốn ban đầu là 144 triệu đồng do Nhà nước hỗ trợ. Sau khi tiếp nhận dự án, xã đã thành lập ban quản lý, phối hợp với ban nhân dân chọn các hộ nghèo có điều kiện như có đất, có lao động, có chuồng trại để triển khai chăn nuôi. Gia đình anh Lê Sỹ Tâm ở thôn 3, xã Đa Lộc thuộc diện hộ nghèo. Gia đình anh Tâm được hỗ trợ gần 10 triệu đồng để mua bò giống về nuôi. Qua hơn 1 năm nuôi dưỡng, từ một con bò giống giờ đây anh có thêm một con nghé. Anh Tâm nói: “Tôi hơn 40 tuổi rồi, gia tài không có gì, chỉ có sức lao động, quanh năm bám đất cũng chỉ đủ nuôi 6 miệng ăn, nay được Nhà nước tạo điều kiện để nuôi bò sinh sản, tôi mừng lắm”. Còn nhiều người dân khi được hưởng chính sách hỗ trợ tiền điện cũng vui mừng khôn xiết. Bà Nguyễn Thị Mạng, hộ nghèo ở phường 6 (TP Tuy Hòa), vui vẻ kể: Gia đình tôi vừa nhận được tiền hỗ trợ tiền điện, mỗi tháng 30.000 đồng, 3 tháng là 90.000 đồng. Với cảnh nghèo của nhà tôi, số tiền này giúp các cháu nhỏ có thêm ánh sáng học bài, đỡ được một khoản lo, giảm bớt khó khăn trong cuộc sống hàng ngày…
Để người nghèo có điều kiện vươn lên trong cuộc sống, tại hội nghị sơ kết việc triển khai Nghị quyết 70, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải coi việc thực hiện hiệu quả chính sách xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân tiếp tục là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm và phải thực hiện với quyết tâm cao hơn nhằm đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu mà nghị quyết Trung ương đã đề ra.
KIM CHI