Những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, ngành, đoàn thể và sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Trao đổi với Báo Phú Yên về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Sở VHTT Phú Yên, cho biết:
Đưa sách, báo đến tận cơ sở – một cách làm hay của Thư viện huyện Tuy An, đã góp phần nâng cao dân trí cho người dân các địa phương. Trong ảnh: Báo chí được đưa về một điểm hớt tóc ở xã An Dân - Ảnh: D.T.XUÂN
- Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã phát triển sâu rộng ở các địa phương với nhiều mô hình mới được xây dựng từ cơ sở. Ngành VHTT đã ký liên tịch với nhiều sở, ban, ngành, hội, đoàn thể nên phong trào càng ngày càng đi vào chiều sâu.
Nhân dân các địa phương đã đóng góp hàng trăm tỉ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa, tạo ra sự thay đổi nhanh chóng bộ mặt văn hóa ở khu dân cư, nhất là khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh. Thông qua phong trào, các nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, được tuyên truyền đến từng gia đình, từng cộng đồng dân cư, góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Phong trào đã góp phần tích cực trong xóa đói giảm nghèo, giải quyết các chính sách xã hội. Các gia đình văn hóa (GĐVH) tiêu biểu là những tấm gương sáng, khẳng định trong thực tiễn tính ưu việt của mô hình gia đình ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc…, là nhân tố quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
* Trên thực tế, vẫn còn có địa phương thực hiện phong trào theo kiểu hình thức, chạy theo thành tích, nên chất lượng chưa đảm bảo. Ông có thể cho biết vì sao có tình trạng này?
Đến nay, toàn tỉnh có 156.813 GĐVH, chiếm tỉ lệ 83% so với tổng số hộ; có 416/592 khu dân cư tiên tiến, trong đó 385 thôn buôn, khu phố văn hóa, đạt tỉ lệ 66,35, vượt 16,3% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII (2000-2005); 463 cơ quan, đơn vị văn hóa, đạt tỉ lệ 98%, tăng 279 cơ quan, đơn vị văn hóa so với năm 2005. 32/106 xã, phường đăng ký xây dựng xã, phường văn hóa.
- Phong trào phát triển chưa đồng đều ở một số khu vực và địa phương như vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vì nhận thức của một số cấp ủy Đảng, chính quyền về ý nghĩa, tác dụng của phong trào chưa đầy đủ, dẫn đến thiếu quan tâm. Ban chỉ đạo ở một số địa phương chưa tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vận động, đăng ký, kiểm tra, bình xét và công nhận các danh hiệu văn hóa, dẫn đến chất lượng các danh hiệu còn thấp so với yêu cầu... Một số xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh, trình độ dân trí không đồng đều, điều kiện kinh tế còn hạn chế đã ảnh hưởng đến kết quả thực hiện phong trào.
* Để phát huy tốt phong trào này, đặc biệt là xây dựng GĐVH, thời gian đến, ngành có những giải pháp chủ yếu nào, thưa ông?
- Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, kết luận Hội nghị lần thứ 10 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, chương trình hành động của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc… là những nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Bên cạnh đó, ngành cũng sẽ đẩy mạnh phong trào xây dựng người tốt việc tốt, nâng cao chất lượng phong trào xây dựng GĐVH trong thời kỳ CNH-HĐH; xây dựng và củng cố, nâng cao chất lượng khu dân cư tiên tiến, thôn, buôn văn hóa, đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hóa trong các cơ quan, đơn vị, xây dựng nếp sống văn minh nơi công sở, gắn phong trào với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền, các đoàn thể quần chúng trong sạch vững mạnh, đồng thời nhân rộng mô hình xã, phường văn hóa. Trước mắt, ngành tập trung xây dựng và hoàn tất các thiết chế VHTT, trung tâm học tập cộng đồng cấp xã để hướng dẫn nghiệp vụ và tổ chức các hoạt động, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và hưởng thụ văn hóa của nhân dân ở các địa phương.
* Xin cảm ơn ông!
KIM CHI (thực hiện)