Trong những năm qua, công nghệ thông tin ngày càng được ứng dụng sâu rộng, đặc biệt trong quản lý cơ quan hành chính, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng mức hài lòng của người dân lên cao.
NGÀY CÀNG CẢI TIẾN
Theo ông Lê Tỷ Khánh, Phó giám đốc Sở TT-TT, Phú Yên hiện có hơn 500 trang thông tin điện tử của các đơn vị đang hoạt động. Các trang này mang lại hiệu quả tích cực trong công tác quản lý hành chính, cập nhật thông tin, tin tức hoạt động. Hệ thống thư điện tử Phú Yên (thư điện tử công vụ) từng bước được nâng cấp, đến nay, đã tạo được hơn 4.000 hộp thư điện tử cho cán bộ, công chức. Qua đó giúp người dân, tổ chức dễ dàng giao dịch, tìm hiểu thông tin trước khi thực hiện các thủ tục hành chính.
Được biết, toàn tỉnh hiện có 28/33 đơn vị trực thuộc UBND tỉnh đã triển khai phần mềm quản lý văn bản và điều hành công văn. Tỉnh cũng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất tại Trung tâm Dữ liệu tỉnh với quy mô nhỏ tích hợp các ứng dụng dùng chung như: quản lý văn bản, trang, cổng thông tin điện tử, thư điện tử và một số ứng dụng khác của các đơn vị; đảm bảo hoạt động các ứng dụng dùng chung của tỉnh hoạt động ổn định, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong quá trình trao đổi văn bản điện tử; góp phần cải tiến thủ tục hành chính, giải quyết các thủ tục nhanh hơn, tính bảo mật được chú trọng.
Bên cạnh đó, nhiều hoạt động hiện đại trong cải cách hành chính được triển khai như: khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử; giao dịch hồ sơ đóng BHXH, BHYT qua mạng, đăng ký giao dịch hồ sơ mô tô ngẫu nhiên trên máy vi tính… Ông Phạm Minh Toàn, Công ty TNHH Minh Khánh (TP Tuy Hòa), cho biết: “Bây giờ nộp thuế không phải mất nhiều thời gian như trước, không phải đi làm trong giờ hành chính nữa, mà chỉ cần vài thao tác trên máy vi tính là ổn hết, rảnh giờ nào làm giờ nấy”. Còn theo chị Hà Thị Phú ở xã Hòa An (huyện Phú Hòa), nhà tôi dự định đầu tư kinh doanh nên quyết định tìm hiểu trước về thủ tục đăng ký. Ở huyện, các cán bộ, công chức “một cửa” tận tình hướng dẫn các thao tác đăng nhập trên máy tính để tìm hiểu thông tin và những thủ tục cần thiết. “Trên các trang mạng của Sở KH-ĐT, Cục Thuế; Sở Công thương… có đăng tải đầy đủ các thông tin liên quan về thủ tục doanh nghiệp mà tôi cần. Thủ tục đơn giản, giúp người dân tiết kiệm nhiều thứ, nên tôi rất hài lòng”, chị Phú nói.
Theo ông Công Văn Lãnh, Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh, việc khai và nộp thuế điện tử ra đời đánh dấu bước chuyển lớn của ngành Thuế trong công tác cải cách hành chính, góp phần tạo điều kiện ngày càng thuận lợi hơn cho người nộp thuế, hạn chế các hiện tượng tiêu cực.
VẪN CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN
Theo UBND tỉnh, đến nay, Phú Yên đã hoàn thành việc lắp đặt đường truyền số liệu chuyên dùng có tính năng bảo mật cao với 53/53 đơn vị trong toàn tỉnh. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến toàn quốc được đầu tư và đưa vào sử dụng từ các điểm cầu của tỉnh đến huyện. Riêng cổng thông tin điện tử UBND tỉnh tích hợp 26 trang thông tin điện tử của 17 sở, ngành, 9 UBND huyện và sử dụng mạng LAN. Phần mềm quản lý văn bản thì đang triển khai phần mềm chuẩn hóa văn bản quản lý nhà nước cấp xã để cung cấp cho UBND cấp xã. Đến nay, 112/112 xã, phường, thị trấn có kết nối đường truyền internet… Những kết quả đạt được trên trong việc ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp nền hành chính ngày càng hiện đại hóa; góp phần xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của các tổ chức, doanh nghiệp và công dân.
Tuy nhiên, theo ông Lê Tỷ Khánh, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính cũng còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, các website thành lập chưa đưa đầy đủ thông tin cải cách hành chính; việc đầu tư chưa tập trung nên khi liên thông gửi văn bản qua lại giữa các đơn vị với nhau còn hạn chế; nhiều cán bộ, công chức, viên chức không sử dụng được các thiết bị điện tử nên việc chỉ đạo và điều hành chưa đồng bộ, bị hạn chế, hiệu quả trên môi trường mạng còn thấp. Còn theo báo cáo của UBND tỉnh, kinh phí đầu tư của Trung ương và đối ứng của địa phương theo chương trình, kế hoạch thấp, không đáp ứng với nhu cầu thực tế. Nhận thức của các cơ quan về bảo mật an toàn, an ninh thông tin chưa cao; nhiều cơ quan chưa xây dựng các quy định về an toàn an ninh thông tin…
Phú Yên phấn đấu đến năm 2020, 90% các văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử; cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên sử dụng hệ thống thư điện tử trong công việc; hầu hết các giao dịch, dịch vụ công được thực hiện trên môi trường điện tử, được cung cấp trực tuyến trên mạng thông tin điện tử hành chính của tỉnh ở mức độ 3 và 4, đáp ứng nhu cầu thực tế, phục vụ người dân và doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi, dựa trên nhiều phương tiện khác nhau… Để đạt được mục tiêu này, các sở, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn cần phối hợp đồng bộ mới mang lại hiệu quả cao nhất. |
PHONG NHÃ