Những năm gần đây, các chương trình đào tạo nghề, tạo việc làm ở Phú Yên đã giúp nhiều hội viên, phụ nữ nâng cao đời sống và khẳng định được vai trò của bản thân.
NÂNG CAO ĐỜI SỐNG
Hiện nay, diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa, dân số tăng nhanh. Điều này khiến đời sống của người nông dân, nhất là lao động nữ gặp không ít trở ngại do thiếu đất đai canh tác, không có việc làm… Trước thực trạng đó, các ngành chức năng, Hội LHPN các cấp trong tỉnh đã phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề, tạo việc làm giúp chị em nâng cao đời sống kinh tế gia đình.
Chị Nguyễn Thị Nga ở phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa), cho biết, bản thân chị từ lâu đam mê nấu ăn nên thường để ý cách người ta chế biến các món ăn rồi “học lỏm” đôi chút. Nhưng từ khi tham gia học khóa nấu ăn miễn phí do Trung tâm Dạy nghề thành phố phối hợp với Hội LHPN phường Phú Lâm tổ chức theo Đề án 1956 về “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” và Đề án 295 về “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm, giai đoạn 2010-2015” của Chính phủ mở tại địa phương, tay nghề của chị mới được nâng lên. Không những chị được biết thêm nhiều bí quyết chế biến những món ăn ngon, mà còn được hướng dẫn cách trình bày, trang trí món ăn đẹp mắt, hấp dẫn. Nhờ vậy, chị được nhiều nơi mời nấu ăn trong các dịp tiệc tùng, cưới hỏi… Thu nhập của chị nhờ vậy cũng được cải thiện hơn trước nhiều.
Không chỉ riêng chị Nga, nhiều chị em ở các địa phương khác sau khi học nghề, tổ chức Hội Phụ nữ đứng ra tín chấp tạo điền kiện cho họ vay vốn làm ăn nâng cao thu nhập kinh tế gia đình. Chị Nguyễn Thị Thúy ở thôn Ngọc Phong (xã Hòa Kiến, TP Tuy Hòa) là một ví dụ. Vợ chồng chị Thúy, anh Sang khởi đầu với hai bàn tay trắng, nhưng sau đó, chị Thúy quyết tâm đi học nghề may, mở xưởng may tại gia đình. Tuy nhiên, phải đến khi gia đình vay được 50 triệu đồng của Ngân hàng NN-PTNT và Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cùng với sử dụng lao động nữ ở địa phương (các chị em này đã qua khóa đào tạo cắt may công nghiệp miễn phí do Hội LHPN xã phối hợp với Trung tâm dạy nghề của Hội Nông dân tỉnh tổ chức), vợ chồng chị mới có điều kiện mở rộng thêm xưởng may. Bây giờ, vợ chồng chị Thúy thu nhập bình quân hàng năm từ 80 đến 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Không những cải thiện thu nhập cho riêng mình, vợ chồng chị còn tạo việc làm thường xuyên cho 6 đến 10 lao động nữ ở địa phương với mức thu nhập 2 đến 2,5 triệu đồng/ người/ tháng.
KHÔI PHỤC LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG
Làng nghề bó chổi đót Mỹ Thành (xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa) được biết đến từ những năm 1975, với các sản phẩm chổi đót, chổi dừa… Chổi đót Mỹ Thành nổi tiếng bền, đẹp. Sản phẩm chổi đót không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn có đầu mối tiêu thụ ở các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Đắk Lắk… Hiện toàn thôn Mỹ Thành có trên 200 hộ dân (với trên 700 lao động, chủ yếu là phụ nữ) làm nghề bó chổi đót, chổi dừa. Chị Nguyễn Thị Thẩm, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hòa Thắng, cho biết: Nghề bó chổi chủ yếu nặng ở khâu nguyên liệu, nếu không có vốn, thì các hộ dân gặp không ít khó khăn. Cách đây 7 năm, Hội LHPN huyện phối hợp với Sở LĐ-TB-XH triển khai dự án phát triển nghề truyền thống bó chổi ở Mỹ Thành. Từ dự án này, có gần 50 hộ phụ nữ khó khăn ở Mỹ Thành được vay 500 triệu đồng (trung bình mỗi hộ vay từ 10 đến 12 triệu đồng) để mua nguyên liệu sản xuất. Tuy nhiên, những năm gần đây, hội phụ nữ quyết định chỉ cho trên 30 hộ nghèo vay với mục đích nâng số tiền vay từ 10 đến 15 triệu đồng/hộ. Nhờ vậy, mức thu nhập cho những chị em có đời sống kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn ở địa phương được nâng cao.
Bà Đỗ Thị Hạnh, người góp phần làm hồi sinh làng nghề chiếu cói ở thôn Thọ Lâm (xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa), cho biết: “Ba năm trước đây, tôi được Sở Công thương hỗ trợ 20 triệu đồng, cộng với số tiền 50 triệu đồng của gia đình tích góp, tôi mua một máy dệt chiếu. Từ khi máy dệt chiếu đưa vào sử dụng thay cho việc dệt thủ công trước đây, hiệu quả công việc mang lại khá cao. Một ngày máy dệt được 10 chiếc, tăng 6 chiếc so với dệt thủ công. Nhờ có máy dệt chiếu, gia đình tôi không những giảm đi sức lao động rất nhiều, mà còn tạo ra sản phẩm có chất lượng, nhiều người sử dụng ưa chuộng”. Hiện cơ sở dệt chiếu cói của gia đình bà Hạnh còn góp phần giải quyết nhiều lao động nông nhàn ở địa phương, với mức thu nhập bình quân 2 triệu đồng/người/ tháng.
Trưởng ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Thanh Hà cho biết: Có thể nói, các hoạt động khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, hướng dẫn cách làm ăn cho hội viên phụ nữ nghèo của Hội Phụ nữ phối hợp cùng với các ngành: LĐ-TB-XH, trung tâm dạy nghề, trung tâm khuyến công - nông - ngư các huyện, Liên minh Hợp tác xã tỉnh… trong thời gian qua đã tháo gỡ phần nào những khó khăn cho việc giải quyết việc làm cho lao động nữ tại các địa phương. Qua đó, không những góp phần nâng cao mức sống cho chị em, mà còn khẳng định được vai trò, vị trí của bản thân phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội.
THỦY VĂN