Thứ Bảy, 16/11/2024 21:43 CH
Phát triển công đoàn trong doanh nghiệp ngoài nhà nước:
Nhiều khó khăn cần tháo gỡ
Thứ Năm, 02/07/2015 13:00 CH

Nhiều quyền lợi của công nhân được đảm bảo khi doanh nghiệp có tổ chức công đoàn. Trong ảnh: Công nhân đang sản xuất tại KCN Hòa Hiệp - Ảnh: N.HÂN

Đẩy mạnh phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức công đoàn ở các doanh nghiệp trong những năm qua luôn được các cấp công đoàn quan tâm. Tuy nhiên, công tác này gặp khó khăn khi thực hiện theo Điều 17 của Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XI.

 

KHÓ THỰC HIỆN

 

Theo Điều 17, Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XI, việc thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS) là do người lao động tự nguyện viết đơn xin gia nhập tổ chức. Từ đơn này, công đoàn cấp trên mới đến làm việc với chủ doanh nghiệp và trực tiếp vận động thành lập tổ chức công đoàn tại đây. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thành lập công đoàn theo hướng này đang gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Trong 6 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh vận động phát triển mới hơn 600 đoàn viên, thành lập mới 4 CĐCS, đạt hơn 40% kế hoạch năm. Trong số hơn 600 đoàn viên vừa kết nạp, phần lớn đoàn viên mới là CNVCLĐ đang làm việc trong khu vực Nhà nước, chỉ có số ít người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp ngoài Nhà nước.

 

Tại TP Tuy Hòa, 6 tháng đầu năm, LĐLĐ thành phố đã kết nạp mới 89 đoàn viên, thành lập được hai CĐCS ngoài Nhà nước. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Bà Lê Thị Cuốn, Chủ tịch LĐLĐ TP Tuy Hòa, cho biết: “TP Tuy Hòa hiện có trên 200 doanh nghiệp ngoài Nhà nước hoạt động, trong đó có 100 doanh nghiệp đủ điều kiện thành lập tổ chức công đoàn. Tuy nhiên, việc kết nạp người lao động vào công đoàn và thành lập CĐCS tại doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân, do nhiều người lao động chưa hiểu hết tầm quan trọng của công đoàn, lo ngại phải đóng phí sau khi gia nhập; còn phía doanh nghiệp thì sợ ảnh hưởng đến thời gian, lợi ích của mình khi có tổ chức công đoàn. Vì vậy, có thể nói hướng phát triển đoàn viên như hiện nay không thuận lợi, nhất là khi thực hiện theo Điều 17 thì càng khó hơn vì cán bộ công đoàn không trực tiếp đến chủ doanh nghiệp vận động thành lập như trước đây”.

 

TX Sông Cầu và huyện Đông Hòa cũng đang gặp khó khăn trong việc phát triển đoàn viên mới, thành lập tổ chức công đoàn vì phần lớn doanh nghiệp hoạt động ở các địa phương này sản xuất theo kiểu nhỏ lẻ, hộ gia đình, hoạt động không ổn định nên chưa mặn mà với vấn đề này. Ông Nguyễn Hồng Thiên, Phó chủ tịch LĐLĐ huyện Đông Hòa, cho biết: “Đối với những doanh nghiệp sản xuất theo kiểu hộ gia đình thì việc phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS theo Điều 17 khó có thể thực hiện được. Công nhân không thể nào tự nguyện viết đơn đề nghị thành lập tổ chức công đoàn mà cần phải có sự đồng thuận của chủ doanh nghiệp”. Theo ông Tô Văn Khải, Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Phú Yên, Công đoàn Khu kinh tế hiện có 25 CĐCS với gần 4.400 đoàn viên tham gia sinh hoạt. Hiện còn 22 doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn, với số lao động là 828 người. Theo Điều 17, Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XI, Công đoàn Khu kinh tế không can thiệp vào việc phát đơn xin vào công đoàn cho công nhân. Vì thế, việc này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến chỉ tiêu phát triển đoàn viên và phát triển CĐCS mới...

 

ĐẨY MẠNH TUYÊN TRUYỀN, VẬN ĐỘNG

 

Phú Yên là tỉnh phát triển đoàn viên mới đạt tỉ lệ thấp nhất cả nước theo chỉ tiêu của Tổng LĐLĐ Việt Nam giao. Trong đó có nguyên nhân là thực hiện phát triển đoàn viên mới theo Điều 17 của Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Bộ luật Lao động đã được sửa đổi bổ sung quy định “Khi doanh nghiệp đang hoạt động và mới thành lập thì sau 6 tháng phải thành lập tổ chức công đoàn…”, nhưng trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp ngoài Nhà nước có đủ điều kiện thành lập tổ chức CĐCS nhưng không tiến hành mà không bị chế tài gì. Ông Huỳnh Kim Hùng, Phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh, nói: “Tổ chức công đoàn chỉ có thể tuyên truyền, vận động còn việc xử lý vi phạm trong Bộ luật Lao động không quy định và cũng không thuộc quyền hạn của LĐLĐ tỉnh. Hiện vẫn chưa có chế tài nào xử phạt doanh nghiệp không thành lập tổ chức CĐCS hoặc không tạo điều kiện cho công đoàn hoạt động. Vì vậy, nếu chỉ dựa vào công tác tuyên truyền, vận động mà không có sự can thiệp của pháp luật thì công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS gặp rất nhiều khó khăn”.

 

Như vậy, theo Điều 17 Điều lệ Công đoàn Việt Nam, việc thành lập tổ chức công đoàn hiện nay chưa bảo đảm yêu cầu cốt lõi người lao động là chủ thể vận động phát triển đoàn viên, chọn bầu ban vận động, bầu ban chấp hành, thành lập CĐCS; người sử dụng lao động có nghĩa vụ tôn trọng, tạo điều kiện và không can thiệp vào quá trình thành lập công đoàn. “Giải pháp đưa ra lúc này là LĐLĐ tỉnh chỉ đạo LĐLĐ các huyện, thị xã, thành phố thành lập ban vận động để tích cực vận động, hướng dẫn người lao động tự nguyện viết đơn gia nhập tổ chức công đoàn. Để công đoàn trở thành chỗ dựa vững chắc, là mái nhà chung thu hút người lao động, rất cần sự hợp tác tích cực từ phía doanh nghiệp và các cấp chính quyền, các hội đoàn thể tại các địa phương. Chỉ có như vậy, việc thành lập tổ chức công đoàn, phát triển đoàn viên mới, mới thu được kết quả cao trong thời gian tới”, ông Huỳnh Kim Hùng khẳng định.

 

NGỌC HÂN 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
10 luật có hiệu lực thi hành từ 1/7/2015
Thứ Tư, 01/07/2015 17:08 CH
Chỗ dựa cho bệnh nhân nghèo
Thứ Tư, 01/07/2015 10:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek