Bảo hiểm y tế (BHYT) là một trong những chính sách an sinh xã hội quan trọng của Đảng và Nhà nước ta, nhằm hoàn thiện cơ chế tài chính trong chính sách chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Trải qua hơn 20 năm thực hiện, chính sách BHYT ở Phú Yên ngày càng được phát huy, thể hiện qua sự đảm bảo tài chính và an toàn cuộc sống của người bệnh tham gia BHYT.
Ngày 16/6/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 823/QĐ-TTg lấy ngày 1/7 hàng năm làm Ngày BHYT Việt Nam với mục đích tuyên truyền về Luật BHYT; khuyến khích, vận động nhân dân tham gia BHYT, tiến tới BHYT toàn dân.
Chính phủ quyết định chọn ngày 1/7 hàng năm làm Ngày BHYT Việt Nam thể hiện ý chí và quyết tâm thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân, tạo điều kiện để mọi người dân được chăm sóc sức khỏe; đánh dấu một bước phát triển mới trong lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. |
CHỈ ĐẠO SÂU SÁT
Chính sách BHYT được thực hiện ở Phú Yên từ năm 1991, là một trong ba tỉnh triển khai thí điểm của cả nước, cũng là một trong bốn tỉnh tổ chức thực hiện thí điểm hình thức BHYT tự nguyện nhân dân theo Thông tư 77 ngày 7/8/2003 của Liên bộ Y tế - Tài chính.
Ngay sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 38/CT-TƯ, ngày 7/9/2009 về việc đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới, Tỉnh ủy Phú Yên đã đề ra Kế hoạch 79-KH/TU ngày 18/3/2010 về đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới, trong đó chỉ đạo: “Các cấp ủy đảng, chính quyền và các đơn vị khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và từng thời kỳ, phải tính toán, xác định chỉ tiêu về số người tham gia BHYT”. Đầu năm 2013, sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020, Tỉnh ủy đã đề ra Kế hoạch 36-KH/TU ngày 6/1/2013 thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị, chỉ đạo các ban Đảng, đảng đoàn, huyện ủy, đảng ủy trực thuộc triển khai thực hiện phù hợp với thực tiễn địa phương, đơn vị.
UBND tỉnh với chức năng quản lý nhà nước về BHYT trên địa bàn tỉnh đã chỉ đạo sâu sát, thường xuyên đối với các sở, ngành, đơn vị liên quan để phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức thực hiện Luật BHYT theo đúng quy định. Đặc biệt, Luật BHYT sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ ngày 1/1/2015, được sự chỉ đạo sâu sát của UBND tỉnh, các hoạt động truyền thông đã được triển khai đồng bộ, giúp người dân hiểu rõ một số điểm mới của luật. Việc thanh toán chi phí và quyền lợi của người khám chữa bệnh BHYT đã được đảm bảo ngay từ ngày luật có hiệu lực.
Các sở, ngành, đoàn thể, địa phương của tỉnh theo chức năng nhiệm vụ được giao đã triển khai, có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện Luật BHYT và các chính sách pháp luật về BHYT đến cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân thuộc đơn vị, địa phương.
Sở Y tế và BHXH tỉnh đã có sự phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành trong tỉnh để triển khai công tác BHYT, như: phối hợp Sở GD-ĐT triển khai công tác BHYT học sinh, sinh viên; phối hợp Sở LĐ-TB-XH lập danh sách đối tượng tham gia BHYT là người nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn, người thuộc hộ cận nghèo; phối hợp Sở Tài chính thực hiện chuyển trả kinh phí kịp thời đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định; phối hợp UBND huyện, thị xã, thành phố trong việc chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn lập danh sách trẻ em dưới 6 tuổi để cấp thẻ BHYT kịp thời…
KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN TRONG BHYT
Luật BHYT được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/7/2009 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT thông qua ngày 1/1/2015. Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự phối hợp của các ban ngành liên quan, nhờ đó Luật BHYT đã tác động lớn đến đời sống xã hội, số người tham gia BHYT ngày một tăng, quyền lợi của người tham gia BHYT ngày càng được mở rộng; giá trị của việc tham gia BHYT càng lớn hơn đối với bệnh nhân nghèo, cận nghèo hoặc những người mắc bệnh mãn tính, bệnh nan y, chi phí điều trị lớn…nhất là với một tỉnh nghèo như Phú Yên.
Tuy nhiên, qua 5 năm thực hiện Luật BHYT và 6 tháng thực hiện Luật BHYT sửa đổi, bổ sung, công tác phát triển mở rộng diện bao phủ BHYT ở tỉnh ta còn thấp so với tỉ lệ chung của cả nước, hiện chỉ đạt 67% dân số tham gia BHYT. Tỉ lệ người dân tham gia BHYT hộ gia đình còn rất thấp, chiếm 14%; đối tượng cận nghèo đạt khoảng 35% trên tổng số và số tham gia hầu hết là người có bệnh mãn tính, bệnh nan y, nên tần suất KCB và chi phí KCB BHYT cao, chưa mang tính cộng đồng chia sẻ của chính sách BHYT. Đối tượng trẻ em dưới 6 tuổi chưa được cấp thẻ kịp thời (nhất là trẻ em ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa); tỉ lệ tham gia của các đối tượng bắt buộc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh cá thể... chưa đạt 100% theo quy định nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng này. Tỉ lệ tham gia BHYT của đối tượng thuộc hộ gia đình cận nghèo, các đối tượng tự nguyện còn rất thấp. Chất lượng khám chữa bệnh chưa thật sự đáp ứng yêu cầu người bệnh, trong đó có người tham gia BHYT.
TRÚC LY