Hiện nay, dân số Phú Yên có khoảng 10% trong độ tuổi từ 60 trở lên. Thách thức đặt ra là công tác chăm sóc sức khỏe, tạo môi trường sinh hoạt nâng cao tinh thần, giúp người cao tuổi sống vui, khỏe, có ích. Mô hình chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng đã mang lại hiệu quả rõ rệt.
Một hoạt động chăm sóc y tế miễn phí dành cho người cao tuổi xã Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa) |
Ở người cao tuổi, quá trình lão hóa tế bào và cơ quan chức năng diễn ra nhanh chóng làm ảnh hưởng đến sức khỏe, rất dễ dẫn đến các bệnh tật. Không chỉ suy giảm về thể chất mà tâm lý cũng thay đổi đáng kể. Người cao tuổi thường rơi vào cảm giác bị bỏ quên, giảm vai trò, giảm sức ảnh hưởng đối với các thành viên trong gia đình và xã hội.
Theo bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) Phú Yên, chi phí dành cho việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi rất tốn kém. Bệnh nhân là người cao tuổi thường tái nhập với cơ sở y tế điều trị nhiều đợt. Vì thế việc chăm sóc người cao tuổi, đặc biệt là người không có chế độ bảo hiểm ở các vùng sâu, vùng xa thuộc gia đình nghèo trở thành một vấn đề lớn.
Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm, phương pháp hiệu quả giúp tăng cường sức khỏe và niềm vui trong cuộc sống cho người cao tuổi là tạo ra môi trường sinh hoạt cộng đồng thích hợp để họ có thể vận động thể chất, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm dày dặn đã tích lũy.
Mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng do Chi cục DS-KHHGĐ phối hợp với Hội Người cao tuổi tỉnh và các đơn vị có liên quan tỏ ra hiệu quả trong công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Ông Trình Văn Nam, Chủ nhiệm CLB Người cao tuổi giúp người cao tuổi xã An Phú (TP Tuy Hòa) cho biết: “Trong CLB chúng tôi có hưu trí là cán bộ y tế nên có thể tư vấn hỗ trợ thông tin y tế cho hội viên trong CLB. Chúng tôi đều đặn tập thể dục dưỡng sinh và xây dựng các chương trình văn nghệ hát cho nhau nghe. Đây là môi trường tốt giúp bạn già vui, khỏe”.
Tuy nhiên, hiện tại các CLB Người cao tuổi chỉ đáp ứng một phần nhỏ so với nhu cầu của 10% dân số là người cao tuổi cả tỉnh. Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn nói: “Yêu cầu đặt ra phải có một hệ thống chính sách chăm sóc sức khỏe người cao tuổi phù hợp, mà trước hết là các bệnh viện tuyến tỉnh cần có chuyên khoa Lão. Hiện nay ở Phú Yên, người cao tuổi vẫn không thích sống ở nhà dưỡng lão mà ở với con cái. Trong khi đó, vấn đề chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trở thành gánh nặng, có thể gây tổn thương cho cả cha mẹ lẫn con cái. Nên chăng, ngành Y tế đẩy mạnh đào tạo đội ngũ nhân viên y tế có đủ kỹ năng chăm sóc người cao tuổi để họ có thể kịp thời trợ giúp gia đình người cao tuổi trong việc chăm lo sức khỏe. Ngoài ra, các cấp thẩm quyền cần đầu tư nhà dưỡng lão cho nhóm người có nhu cầu, đặc biệt là dưỡng lão ngắn hạn. Bởi người cao tuổi hiện nay thường xuyên đối mặt tình trạng con cái đi xa trong một thời gian và không có người chăm sóc”.
Người cao tuổi có vai trò quan trọng trong việc kết nối các giá trị truyền thống về đạo đức, lịch sử và văn hóa với thế giới hiện đại, là tấm gương sáng để động viên con cháu chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nâng cao nhận thức của cá nhân, gia đình và xã hội trong việc chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi chính là góp phần giải quyết những thách thức trong già hóa dân số ở tỉnh ta hiện nay.
Theo ông Đặng Phi Khanh, Phó chủ tịch Hội Người cao tuổi Phú Yên, có 27 câu lạc bộ (CLB) trên địa bàn tỉnh có sự hỗ trợ của Chi cục DS-KHHGĐ. Các CLB này được cung cấp các dụng cụ tập thể dục và rèn luyện sức khỏe như máy massage và đèn chiếu hồng ngoại… Chủ nhiệm các CLB đều được Chi cục DS-KHHGĐ tập huấn bài thể dục dưỡng sinh giúp tăng cường sức khỏe người cao tuổi. Ngoài ra, hội viên còn được truyền thông công tác DS-KHHGĐ nhằm phát huy vai trò của người cao tuổi trong công tác này. Ghi nhận hoạt động tại CLB, hầu hết các hội viên đều rất phấn khởi. |
DIỆU ANH