Phú Yên đang bước vào giai đoạn “dân số vàng” với nhóm dân số vị thành niên/thanh niên (VTN/TN) từ 10 đến 24 tuổi chiếm tỉ lệ gần 30% tổng dân số toàn tỉnh. Vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) nhóm dân số trẻ này là mối quan tâm hàng đầu của ngành Dân số tỉnh.
NÂNG CAO KIẾN THỨC CHĂM SÓC SKSS
Trong 5 tháng đầu năm 2015, theo thống kê chưa đầy đủ của Trung tâm Chăm sóc SKSS Phú Yên, số trường hợp phá thai ngoài ý muốn bằng các kỹ thuật y tế giảm. Số ca đến khám, xét nghiệm viêm nhiễm đường sinh sản ít hơn cùng kỳ. Trong khi đó, số cuộc gọi tư vấn qua điện thoại tăng lên, các bạn trẻ đã mạnh dạn hơn khi đề cập đến vấn đề tế nhị này.
Mỗi ngày, Trung tâm Chăm sóc SKSS Phú Yên tiếp nhận khoảng 10 cuộc gọi tư vấn từ các bạn trẻ, trong đó có học sinh các trường học gọi đến trung tâm xin được tư vấn các vấn đề về chăm sóc SKSS. Những vấn đề thường được quan tâm như: biện pháp phá thai nội khoa, biện pháp ngừa thai khẩn cấp áp dụng trước trong và sau khi quan hệ tình dục; phương thức áp dụng biện pháp tránh thai an toàn, kín đáo; sức khỏe liên quan đến rối loạn kinh nguyệt, rối loạn nội tiết quanh tuổi mãn kinh của cha mẹ, rối loạn chuyển hóa đường mỡ, sức khỏe sinh sản người cao tuổi...
Theo khảo sát của Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên, đa số VTN/TN hiểu biết về các biện pháp tránh thai phổ biến như: bao cao su (73,6%), thuốc uống tránh thai (60%), vòng tránh thai (56%)… Căn cứ trên số liệu của các cơ sở y tế công lập, ở Phú Yên có rất ít trường hợp VTN/TN phá thai ngoài ý muốn.
Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc SKSS Phú Yên, cho biết: “Các bạn trẻ đang có xu thế quan tâm đến SKSS của chính mình và được nâng lên ở mức độ an toàn, kín đáo. Các bạn cũng biết cách quan tâm đến sức khỏe sinh sản của người thân trong gia đình và ngoài xã hội. Điều đó chứng tỏ kiến thức của các em ngày càng mở rộng; thái độ, hành vi có trách nhiệm hơn; các em cũng đã mạnh dạn tìm ra được kênh truyền thông kín đáo, an toàn sẵn sàng tư vấn đầy đủ, cần thiết”.
ĐỂ VTN/TN THÊM TỰ TIN
Theo đánh giá của các chuyên gia y tế, hiện nay chương trình giảng dạy về chăm sóc SKSS trong trường học chủ yếu là qua các buổi học ngoại khóa. Các nội dung giải phẫu, sinh lý chưa cởi mở, còn gói gọn, chung chung. Thực tế, tình dục học là vấn đề được VTN/TN quan tâm nhiều. Tuy nhiên, những chương trình tình dục học ở Việt Nam rất hạn chế. Theo khảo sát của Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên, VTN/TN trong tỉnh vẫn còn hạn chế về cách phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục, khi chỉ có khoảng 50 đến 81% bạn trẻ biết cách phòng tránh HIV/AIDS, căn bệnh của thế kỷ. Thêm vào đó, kiến thức và hiểu biết về các bệnh dễ lây truyền qua đường tình dục khác tỉ lệ cũng không cao như: giang mai (56%), lậu (60%), nấm (14%)… Vì thế, VTN/TN vẫn đứng trước nguy cơ lây bệnh qua đường tình dục cao, cần phải có chương trình giáo dục và hình thức truyền thông hiệu quả.
Hiện nay, kiến thức chăm sóc SKSS ở nhóm VTN/TN là học sinh thành thị tương đối nâng cao, trong khi nhóm VTN/TN ngoài nhà trường còn khá thấp, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng dân tộc thiếu số. Ở Phú Yên, ngoài Trung tâm Chăm sóc SKSS Phú Yên có khoa Nam học và VTN; Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh có phòng tư vấn và trung tâm DS-KHHGĐ các huyện có góc tư vấn về VTN/TN nhưng kiêm nhiệm và chưa có cán bộ chuyên trách. Các cơ sở y tế điều trị từ tỉnh đến huyện đều chưa có khoa dành cho VTN.
Bác sĩ Vũ Ngọc Dững, Phó chi cục trưởng Chi cục DS-KHGĐ Phú Yên cho biết, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã phối hợp với các ngành và địa phương triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao kiến thức và thái độ, hành vi của VTN/TN trong chăm sóc SKSS. Trong đó nổi bật có các hoạt động như: Phối hợp với Sở GD-ĐT triển khai các hoạt động giáo dục giới tính và chăm sóc SKSS VTN/TN trong nhà trường; phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức hội thảo VTN/TN; thành lập các câu lạc bộ Cha mẹ và VTN/TN về SKSS/sức khỏe tình dục; tổ chức các đợt tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân… Bác sĩ Dững cho biết thêm: “Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh hướng đến tăng cường các hoạt động phối hợp với đoàn thanh niên cơ sở tiếp cận nhóm VTN/TN, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, tạo ra các điểm sinh hoạt mở về diễn đàn chăm sóc SKSS”.
Theo bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, tại các trường học cần thành lập nhiều câu lạc bộ chăm sóc SKSS và thường xuyên tổ chức sinh hoạt với các nội dung về kiến thức, nhận thức, hành vi và kỹ năng về SKSS VTN/TN. Các cơ sở y tế cần phát triển hệ thống chuyên trách phòng khoa dành cho nhóm VTN. Ngoài ra cần có hoạt động phối hợp giữa các ngành chức năng có liên quan.
Trong vấn đề chăm sóc SKSS VTN/TN cần phải xác định đầu tư cho VTN/TN là tương lai. Bởi đây là lựa chọn thông minh, góp phần bảo vệ được sự an toàn cho VTN/TN, an toàn trong quan hệ tình dục, biết phòng những bệnh phụ nữ, an toàn cho người vợ, an toàn cho đứa con sau này. Khi hiểu biết về chăm sóc SKSS, VTN/TN biết cách chia sẻ những khó khăn, vất vả với cha mẹ và có trách nhiệm hơn với bản thân, gia đình, xã hội.
(Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn) |
DIỆU ANH