Từ năm 2006, Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam (MCNV) đã hỗ trợ tỉnh Phú Yên thực hiện dự án “Phát triển sức khỏe cộng đồng do cộng đồng quản lý”. Dự án không chỉ giúp người khuyết tật các xã: Hòa An, Hòa Thắng, Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa) phục hồi về thể chất mà còn có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống và hòa nhập cộng đồng.
Anh Lê Văn Cường ở thôn Đông Bình, xã Hòa An (huyện Phú Hòa) được hỗ trợ vay vốn từ dự án của MCNV để làm nghề tráng bánh - Ảnh: X.TRIỆU |
Cách đây 10 năm, sau cơn tai biến, ông Châu Đình Thức (thôn Phú Ân, xã Hòa An) bị liệt tay, chân... Mọi sinh hoạt của ông đều phải có sự trợ giúp của vợ con. Qua khảo sát của MCNV, ông Thức là một trong số những người khuyết tật trên địa bàn xã Hòa An được nhận sự giúp đỡ từ dự án “Phát triển sức khỏe cộng đồng do cộng đồng quản lý”. Hàng tuần, ông được các cộng tác viên phục hồi chức năng đến tận nhà hướng dẫn các động tác tập vận động như: lăn tay với bóng, tự đi trên nệm… Hiện tại, ông Châu Đình Thức đã có thể đi lại, giúp gia đình những công việc nhẹ trong việc buôn bán… Ông Thức chia sẻ: “Không ngờ sau cơn tai biến, mình lại trở nên tàn tật như vậy. May mắn là có dự án của Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam giúp đỡ tập phục hồi chức năng nên bây giờ tôi đã có thể đi lại, tự chủ trong sinh hoạt... Việc tập luyện tại nhà giúp tôi chủ động thời gian và ít tốn kém…”.
Y sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hoàng, Chuyên trách phục hồi chức năng Trạm Y tế xã Hòa An, cho biết: “Cộng tác viên phục hồi chức năng trực tiếp hướng dẫn người khuyết tật tập luyện tại nhà với sự giúp đỡ của người thân. Sự phối hợp này giúp người khuyết tật phục hồi nhanh hơn, đồng thời giúp gia đình họ tiết kiệm chi phí và thời gian”. Với cách làm này, trong số 335 người khuyết tật ởcác xã Hòa An, Hòa Thắng, Hòa Quang Bắc được hỗ trợ phục hồi chức năng, đã có 175 người tiến bộ về sức khỏe và hòa nhập cộng đồng.
Ngoài trợ giúp phục hồi chức năng, dự án “Phát triển sức khỏe cộng đồng do cộng đồng quản lý” còn hỗ trợ vốn để những người khuyết tật có khả năng lao động phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Tính đến nay, Hội Người khuyết tật ở các xã Hòa An, Hòa Thắng, Hòa Quang Bắc đang quản lý số vốn hơn 1,6 tỉ đồng với 285 hội viên vay vốn. Bình quân mỗi hội viên được vay hơn 5,8 triệu đồng.
Bên chiếc nạng gỗ, anh Lê Văn Cường (thôn Đông Bình, xã Hòa An) đang trở những phên bánh tráng cho kịp nắng. Vừa làm anh vừa kể cho chúng tôi nghe về nỗi bất hạnh tật nguyền của mình. Một lần đi xem hát, không may anh bị vướng mìn cụt mất chân phải. Với một chân còn lại anh chỉ biết ngồi vá xe, bơm hơi trước cửa nhà để kiếm kế sinh nhai. Thế nhưng ngày nhiều nhất anh cũng chỉ kiếm được vài chục nghìn đồng, còn lại đa phần là ở không… Cuộc sống của gia đình anh bắt đầu thay đổi khi năm 2007, anh được xét cho vay 6 triệu đồng từ dự án của MCNV. Có vốn, gia đình anh phát triển nghề tráng bánh… Những ngày nắng, 3 người trong gia đình anh tráng hơn 1.200 bánh. Sau khi trừ chi phí, thu nhập bình quân được 50.000 đồng/người. Anh Lê Văn Cường nói: “Nhờ được hỗ trợ vốn nên gia đình tôi mới có điều kiện để làm nghề, bản thân tôi có việc làm phù hợp với điều kiện sức khỏe. Từ đây, kinh tế gia đình cũng đỡ hơn trước nhiều…”.
Với sự hỗ trợ của dự án, nhiều trường hợp khác cũng dần có sự ổn định cuộc sống. Ông Ngô Văn Cẩn, Chủ tịch Hội Người khuyết tật xã Hòa An, cho biết: “Việc hỗ trợ vốn của Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam tuy không nhiều, nhưng đã tạo động lực để bản thân và gia đình người khuyết tật vươn lên phát triển kinh tế. Xã Hòa An có 93 hộ vay vốn thì 30% trong số này đã tạo được công ăn việc làm ổn định. Đây cũng là điều kiện để người khuyết tật hòa nhập cộng đồng xã hội…
Có thể thấy, với cách làm phù hợp mà dự án “Phát triển sức khỏe cộng đồng do cộng đồng quản lý” do Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam hỗ trợ đã góp phần giúp người khuyết tật vượt qua nỗi bất hạnh để vững bước hòa nhập cộng đồng. Mong rằng, thời gian tới, Phú Yên sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ đầy ý nghĩa này.
XUÂN TRIỆU - KIM CHI