Thứ Hai, 30/09/2024 08:34 SA
“Mắt biển” ở phường 6
Chủ Nhật, 17/06/2007 14:00 CH

“Tkhi có trạm hoa tiêu, tình trạng  tàu thuyền mắc cạn khi ra vào cửa biển này đã được khắc phục tốt. Vậy nên chuyện làm ăn của bà con cũng thuận lợi hơn nhiều”. Trung uý Nguyễn Ngọc Ry, Trạm phó Trạm kiểm soát Đà Rằng phấn khởi mở đầu câu chuyện về một trạm hoa tiêu “dân lập” mới ra đời ngay tại cửa biển phường 6, TP Tuy Hòa.

 

ĐỂ TÀU THUYỀN KHÔNG MẮC CẠN

 

070615-phuong-6.jpg

Trạm hoa tiêu ở cửa biển phường 6 (TP Tuy Hòa)

 

Nằm ngay trên khu bãi bồi tại cửa biển phường 6, trạm hoa tiêu vỏn vẹn chỉ có 4m2 với vách gỗ, mái lợp tole như bị “sấy khô” dưới cái nắng hè gay gắt. Ngư dân Trần Đình Thống đang ngồi trực trong trạm. Tay cầm chiếc hộp thoại của máy bộ đàm, mắt chăm chú nhìn về phía biển, ông liên tục “phát lệnh”, điều chỉnh hướng đi cho 2 chiếc tàu đang tiến dần qua cửa. Xong việc, ông quay sang, xởi lởi chuyện trò cùng chúng tôi. Bằng chất giọng đặc trưng của người nhiều năm “ăn sóng nói gió”, ông cho biết: “Tổ có 4 người. Tôi đã 67 tuổi, là người cao tuổi nhất ở đây, còn lại 3 người khác tuổi đều trên 50. Ai cũng có ít nhất trên 30 năm vật lộn với biển cả nên có kinh nghiệm về thuỷ triều, luồng lạch. Chúng tôi chỉ cần nhìn con nước là biết được hướng dòng chảy, luồng lạch nông sâu”.

 

Thiết bị quan trọng nhất ở đây là chiếc máy đàm thoại, được trang bị ngay lúc trạm hoa tiêu “khánh thành”. Ông Thống giải thích: “Máy này dùng để liên lạc từ trạm đến các chủ tàu thuyền hoạt động gần đây. Khi tàu thuyền sắp ra vào cửa, họ gọi đến để hỏi về thủy triều và hướng thay đổi dòng chảy. Căn cứ vào tin tức do trạm thông báo, các chủ phương tiện cho tàu vào cảng hay xuất bến theo đúng luồng lạch để tránh bị mắc cạn”.

 

Được biết, cảng cá phường 6 là nơi ra vào trú đậu của hơn 500 tàu thuyền đánh bắt xa bờ và nhiều phương tiện hành nghề nhỏ lẻ khác của ngư dân khu phố 6, phường Phú Lâm và phường 6, TP Tuy Hoà. Tuy nhiên, vì nằm ở khu vực bãi ngang, vùng này liên tục được bồi đắp. Những năm gần đây, do tác động bất thường về thuỷ văn trên sông Ba nên cửa biển Đà Rằng luôn thay đổi hướng dòng chảy. Tàu thuyền đánh bắt xa bờ của bà con ngư dân sau hàng tháng biển về, không thể định được hướng ra vào cửa nên thường bị mắc cạn. “Tàu đi về phải nằm lâu ngoài cửa nên chất lượng cá giảm sút, thất thu nhiều lắm. Cũng có những chiếc sau khi lấy đủ tổn, ra cửa bị mắc cạn, sóng đánh chìm. 30, 40 triệu tiền nhiên liệu cùng với hàng tấn đá lạnh coi như bỏ. Đó là chưa kể phải bỏ tiền ra để trục kéo, sửa chữa máy móc. Năm ngoái, tại cửa này có đến 5 chiếc mắc cạn bị sóng đánh tấp vào bãi bồi. Chiếc thiệt hại thấp nhất cũng phải cỡ 40 triệu”- ông Thống kể .

 

Để khắc phục tình trạng này, tháng 1/2007, đại diện của ban lạch ở khu phố Đông Tác và phường 6 cùng với địa phương, Đồn Biên phòng 352 đã họp bàn tìm giải pháp. Các cụ già hoạt động lâu năm trong nghề biển đưa ra sáng kiến lập trạm hoa tiêu. Mức đóng mỗi năm là 50.000 đồng cho một phương tiện. Giải pháp này được bà con tán thành. Ngoài việc mua sắm thiết bị cho hoạt động của trạm,  khoản tiền đóng góp sẽ được trích ra một ít bồi dưỡng cho các cụ đã xung phong canh trực luồng lạch tại cửa này.

 

 “Từ ngày có trạm hoa tiêu, tàu thuyền ra vào cửa đã chủ động hơn, không còn sợ mắc cạn. Bà con trong ban lạch đã yên tâm, nhẹ bớt một nỗi lo trong việc làm ăn rồi” - ông Trần Văn Xê, chủ một tàu câu cá ngừ đại dương ở phường 6, cho biết.

 

TIẾP SỨC CHO BÀ CON

 

Ông Trần Văn Thống cho biết thêm: Để giúp cho trạm hoa tiêu thuận lợi trong việc điều hành tàu thuyền, trung uý Nguyễn Ngọc Ry phụ trách Trạm kiểm soát Đà Rằng đã đề xuất phương án phối hợp thông tin liên lạc giữa trạm biên phòng với trạm hoa tiêu và bà con ngư dân. Qua máy đàm thoại dài, các phương tiện đang đánh bắt ngoài khơi xa sẽ thông báo cho Trạm kiểm soát Đà Rằng biết dự kiến thời gian tàu về bến. Và từ tin tức do trạm hoa tiêu báo, tổ kiểm soát biên phòng sẽ thông tin sớm cho các phương tiện về thuỷ triều cũng như hướng, luồng lạch dòng chảy, để định giờ về cửa thuận lợi, an toàn nhất.

 

Việc liên kết, vận động sự hỗ trợ, giúp nhau giữa bà con ngư dân để khắc phục khi có sự cố cũng đã được tổ kiểm soát biên phòng tại cửa biển phường 6 chủ động duy trì. Ông Phạm Văn Ngà, chủ phương tiện PY 1493 bị chìm tại cửa biển hồi tháng 3, kể lại: “Khi bọn tôi về gần đến cửa thì nghe trạm hoa tiêu thông báo “cửa đang lúc cạn không vào được, phải chờ nước lên”. Nhưng do nóng lòng muốn vào bán cá, tôi bất chấp, cho tàu chạy ẩu. Đến ngang cửa thì bị mắc cạn, rồi sóng đập chìm luôn. Lúc ấy, may nhờ các anh bộ đội biên phòng đã vận động được bà con bạn thuyền ra sức cứu giúp chúng tôi. Các anh huy động 4 tàu lớn với gần một trăm người, phần thì kéo dây bằng sức người, phần thì dùng tàu đẩy, hì hục kéo từ 6 giờ chiều đến 12 giờ đêm mới lên được. Nếu không, tôi không còn phương tiện để làm ăn nữa rồi”. 

 

Việc hình thành trạm hoa tiêu “dân lập” để khắc phục tình trạng tàu thuyền mắc cạn tại cửa biển phường 6 cho thấy bà con ngư dân trên địa bàn không thụ động ngồi chờ mà đã hợp lực, cùng nhau khắc phục khó khăn trên bước đường làm ăn. Điều này góp phần giảm nhẹ thiệt hại cho chính họ. Song cũng từ đây cho thấy: Sự có mặt của các lực lượng chức năng để tham mưu, trợ sức kịp thời, nhất là trong việc vận động bà con hợp lực, hỗ trợ nhau khắc phục khó khăn trên đường làm ăn là hết sức cần thiết.

 

PHƯƠNG OANH

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek