Thứ Hai, 30/09/2024 08:37 SA
Làng “ở đỗ”
Thứ Sáu, 15/06/2007 14:00 CH

“Ở đỗ” (tức ở nhờ trên đất người khác) từ đời cha đến đời cháu... nhưng vẫn không mua được đất xây nhà. Người “ở đỗ” không thể trả và chủ đất không thể đòi nên giữa hai bên xảy ra nhiều mâu thuẫn. Chuyện xảy ra ở hai thôn Dân Phước, Vạn Phước (thị trấn Sông Cầu, huyện Sông Cầu).

 

NGƯỜI “Ở ĐỖ” KHỔ TRĂM BỀ

 

070615-Dan-Phuoc2.jpg

Khu dân cư mới Tam Giang - Mỹ Hải góp phần làm giảm bớt tình trạng ở đỗ ở thị trấn Sông Cầu - Ảnh: MINH NGUYỆT

 

Ông Lương Vĩnh Thành, 90 tuổi, ở thôn Vạn Phước kể: “Những năm 1940, vùng ven biển Sông Cầu đất đai rộng mênh mông, ai đến trước chiếm nhiều, ai đến sau cũng được cả sào đất. Cả thôn Dân Phước (bây giờ chia thành hai thôn Dân Phước và Vạn Phước) lúc đó chỉ khoảng 20 hộ dân sinh sống. Những cư dân quanh vùng đến làm ăn xin ở nhờ, thậm chí các chủ đất cũng mời nhiều người khác cùng tới ở cho đông vui. Đến năm 1945 nơi đây đã có 70 – 80 hộ dân, đều sống bằng nghề đi làm thuê nên không mấy ai khá giả”.

 

Một gia đình “ở đỗ” sinh bao nhiêu người con thì có thêm bấy nhiêu nhân khẩu tiếp tục “ở đỗ”. Ông Thành than thở: “Hồi đó đất rộng người thưa nên tình cảm giữa mọi người thân mật nhau lắm. Khi con cháu đông dần lên, hai bên bắt đầu có nhiều xích mích”.

 

Nhiều gia đình được chủ đất cho “ở đỗ” với diện tích 150m2, trong đó đất ở là 100m2 và số còn lại là trồng trọt. Khi đất có giá, chủ đất đòi tháo dỡ phần còn lại. Chủ đất đòi bán thì người “ở đỗ” không có điều kiện mua. Người có điều kiện mua thì chủ đất không chịu bán, vậy là nảy sinh mâu thuẫn.

 

Do mâu thuẫn kéo dài không giải quyết được nên hễ có thời cơ, chủ đất liền gây khó khăn cho người “ở đỗ” như không cho xây lại khi nhà sập hoặc hạn chế diện tích đất xây dựng của họ so với trước đây. Nếu muốn sửa lại, họ phải được sự đồng ý của chủ đất, nếu không cho thì đành chịu chứ không được phép xây mới. Ông Trần Đức Dục 71 tuổi (thôn Vạn Phước) nói: “Nhà dưới tôi sắp sập rồi, giờ muốn sửa lại cho ngay hàng thẳng lối nhưng chủ đất không cho”. Ở cùng thôn, ông Lê Hữu Phước trăn trở: “ “Ở đỗ” khổ trăm bề, vì chẳng có quyền gì trên đất mình ở. Lúc đào giếng, tôi phải đưa cho chủ đất 5 phân vàng. Ngoài ra, hàng năm phải đưa cho chủ đất ít nhất 50.000 đồng để hương hỏa ông bà”. Chỉ vào đống vật liệu xây dựng chất trong nhà, ông Phước nói: “Nhà nước bảo giữ vệ sinh môi trường, nhưng tôi xin làm nhà vệ sinh thì chủ đất không cho. Họ bảo phải mua rồi muốn làm gì thì làm. Mà mua xong, còn tiền đâu để chúng tôi làm nhà?”. Những người “ở đỗ” than thở đủ điều: Đường đi trước kia 3 sải tay giờ chỉ còn một sải. Hai chủ đất có cây dừa ở giáp ranh, cây dừa phía nhà này ngả qua đất nhà khác nhưng ở ngay đầu giường họ ngủ thì họ phải bỏ ra 1 chỉ vàng để mua cây dừa đó. Nhà ở có cây vú sữa cao hơn mái nhà, muốn chặt nhưng chủ không cho chặt thì đành nằm nghe cành cây cào ngói rớt loảng xoảng khi gió đẩy qua…

 

Mặt khác, đất ở hiện nay hầu hết là đất vườn dừa nên muốn làm sổ đỏ thì cần một số tiền không nhỏ để nộp Nhà nước. Nhiều người ca thán: “Nếu vậy, chúng tôi phải mua đến hai lần tiền”. Ông Ngô Văn Lanh, Trưởng thôn Vạn Phước cho hay: “Hai thôn Dân Phước và Vạn Phước hiện có hơn 1.200 hộ với 7.000 khẩu thì đã có hơn 80% là dân “ở đỗ”. Nếu làm sổ đỏ thì cả 2 thôn đều khó thực hiện vì giữa người “ở đỗ” và chủ đất đã sòng phẳng với nhau thì họ sẽ không còn tiền đóng thuế”.

 

Mâu thuẫn nhà “ở đỗ” và bất cập trong vệ sinh môi trường luôn tồn tại ở Dân Phước, Vạn Phước. Địa phương thường xuyên vận động bà con làm hố xí, nhà tắm, nhưng việc xây dựng công trình phụ ở đây gặp nhiều khó khăn. Hiện chỉ có gần 40% hộ dân ở đây có nhà vệ sinh.

 

CHỦ ĐẤT CŨNG KHỔ

 

Ông Nguyễn Văn Khán, 59 tuổi, là một trong những chủ đất ở thôn Vạn Phước, cho biết: “Đất này có từ thời ông cố để lại chứ về mặt giấy tờ thì không ai biết. Gọi là chủ đất chứ tôi chẳng có giấy tờ gì. Sau giải phóng, số đất này phải khai lại nhưng thủ tục nhiêu khê lắm”. Ông Khán bức xúc: “Nhiều người có điều kiện mua đất ở Tam Giang – Mỹ Hải để ở thêm hoặc bán lấy lãi nhưng đất “ở đỗ” cũ vẫn không chịu trả. Nếu được quyền lấy lại đất, chúng tôi sẽ báo trước 5 – 10 năm, nhưng thực tế người “ở đỗ” không công nhận, chính quyền cũng không hỗ trợ”.

 

Những chủ đất cũng đã nhiều lần đặt vấn đề bán theo giá Nhà nước,  nhưng người “ở đỗ” bảo không có tiền mua hoặc đòi mua rẻ.

 

Cách đây hơn 5 năm, đất vườn dừa cho người khác ở nhờ nhưng chủ đất phải đi đóng thuế. Giờ đây, người “ở đỗ” đã đóng thuế nhà ở và đất ở thì chủ đất lại thắc mắc, vì người “ở đỗ” không đóng thuế thì cũng không vi phạm pháp luật, bởi Nhà nước chưa làm thủ tục công nhận đất ở cho họ.

 

Ông Đinh Văn Sang, Chủ tịch UBND huyện Sông Cầu cho biết: “Huyện đang triển khai các dự án nhằm tạo quỹ đất cho khu tái định cư cồn Ông Chỉ và các hộ dân “ở đỗ”. Ngoài ra, dự án lấn biển hình thành khu dân cư ở thị trấn Sông Cầu cũng đang được lập. Chúng tôi đang cố gắng vận động chủ đất nhượng lại vị trí đất mà mình có cho người “ở đỗ” tạo sự hòa đồng trong thôn xóm”.

 

MINH NGUYỆT

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek