Theo dự báo của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), dân số Việt Nam đến năm 2040 sẽ đạt khoảng 104 triệu người. Đây là cũng thời điểm Việt Nam kết thúc thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” và dân số bắt đầu già hóa nhanh. Chính vì vậy, Việt Nam phải nắm bắt cơ hội xây dựng kế hoạch chuẩn bị cho thời kỳ chuyển đổi dân số.
Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Báo chí với các vấn đề dân số và phát triển ở Việt Nam” do Ban Tuyên giáo Trung ương và Tổ chức UNFPA vừa tổ chức tại Hà Nội.
Hiện nay, Việt Nam đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” (số người trong độ tuổi lao động cao hơn số người phụ thuộc). Số liệu năm 2012 cho thấy, số người trong độ tuổi lao động (từ 15 đến 64 tuổi) chiếm tới 68,9%, trong khi đó số người trên 65 tuổi chỉ chiếm 7% dân số. Các chuyên gia cho rằng thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” chỉ xảy ra duy nhất một lần trong lịch sử nhân khẩu học của mỗi quốc gia.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” ở Việt Nam sẽ không kéo dài và quá trình già hóa dân số sẽ diễn ra nhanh chóng từ năm 2040. Để có thể tận dụng được tối đa cơ hội từ thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” thì theo các chuyên gia, Việt Nam phải đảm bảo tạo ra được cơ hội việc làm cho lực lượng lao động trẻ.
Phát biểu tại hội thảo, ông Arthur Erken, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” nhưng chỉ còn hơn 20 năm nữa là thời kỳ này sẽ kết thúc, vì vậy Việt Nam cần chú trọng đầu tư vào thế hệ trẻ ngay từ bây giờ. Lực lượng dân số trẻ phải được chăm sóc về sức khỏe và được đào tạo kỹ năng tốt để có thể đóng góp vào sự phát triển của kinh tế - xã hội khi thời kỳ già hóa dân số đang đến gần.
Tại hội thảo, các chuyên gia đều cho rằng việc nâng cao ý thức tận dụng cơ hội “cơ cấu dân số vàng” cần thông qua chính sách khuyến khích đầu tư tạo việc làm, đầu tư vào giáo dục, đào tạo hướng nghiệp để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động nhằm tận dụng số lượng lao động hiệu quả nhất.
Theo phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Văn Linh, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương thì các chính sách phát triển của Việt Nam (lao động, việc làm, y tế, giáo dục, an sinh xã hội…) cần tính đến sự thay đổi nhanh của các nhóm dân số theo độ tuổi để có chính sách thích hợp. Nếu tạo đủ việc làm cho lao động, tăng năng suất lao động sẽ phát huy được cơ hội từ “dân số vàng” và tránh được “bẫy thu nhập trung bình”.
TUYẾT TRẦN (tổng hợp)