Từ năm 2011, đề án Tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân được Chi cục DS-KHHGĐ triển khai. Thế nhưng, các chương trình hoạt động ngày càng ít khiến hiệu quả tuyên truyền giảm sút.
Tư vấn và chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân vẫn là khái niệm khá mới mẻ với nhóm vị thành niên/thanh niên (VTN/TN), nhóm sắp kết hôn. Thực tế, rất ít cặp đôi sắp kết hôn chủ động tìm đến cơ sở y khoa để được tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân. Em Trần Anh Tứ, sinh viên Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa, cho biết: “Em chủ động tìm hiểu các kiến thức về tình yêu, tình dục, ứng xử khi yêu nhau, qua mạng internet và trao đổi với bạn bè. Em chưa tham gia chương trình truyền thông nào về nội dung tiền hôn nhân nên rất mơ hồ”.
Thực tế cho thấy phần lớn VTN/TN, các cặp đôi sắp kết hôn không mặn mà với việc tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân. Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên là một trong rất ít các đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện chương trình truyền thông tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân. Từ năm 2011, đề án Tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân được Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh triển khai. Tuy nhiên, các chương trình hoạt động ngày càng giảm.
Chị Đặng Thị Mộng Hoàng, cán bộ chuyên trách dân số phường 6 (TP Tuy Hòa) cho biết: “Sinh hoạt tại Câu lạc bộ (CLB) Cha mẹ và VTN/TN về sức khỏe sinh sản (SKSS)/sức khỏe tình dục (SKTD) là nội dung trọng tâm của đề án Tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân của Phú Yên. Trước đây, mỗi tháng, CLB sinh hoạt 1 lần thì nay phải đến 3 tháng mới sinh hoạt do thiếu kinh phí. Theo tôi thấy, chỉ có 30 thành viên trong CLB có thể tiếp cận các kiến thức, kỹ năng chăm sóc SKSS/SKTD. Nhóm VTN/TN ngoài CLB và nhóm các cặp đôi sắp kết hôn trên địa bàn phường 6 rất ít có cơ hội tiếp cận truyền thông về vấn đề này”.
Theo ông Đỗ Kim Ở, Phó giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Đông Hòa, hiện nay, thanh niên vẫn chưa có thói quen kiểm tra sức khỏe nếu không có biểu hiện bệnh rõ ràng. Đối với nhóm sắp kết hôn, họ có tâm lý e ngại đối phương đánh giá không tốt nếu đề nghị người yêu đi kiểm tra sức khỏe trước khi kết hôn. Đến nay, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Đông Hòa vẫn chưa truyền thông cho nhóm sắp kết hôn bởi không có nguồn kinh phí dành riêng cho nhóm này. Thêm vào đó, nếu trung tâm có tổ chức buổi tư vấn cũng gặp khó trong việc tập hợp và thu hút sự quan tâm của nhóm này”.
Đề án Tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân do Tổng cục DS-KHHGĐ triển khai và khuyến cáo nhóm VTN/TN, nhóm sắp kết hôn tham gia. Đây là đề án góp phần làm nên thành công của dự án Nâng cao chất lượng giống nòi quốc gia. Theo đó, việc tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân sẽ giúp nhóm sắp kết hôn chuẩn bị kiến thức, tâm lý cho cuộc sống tình dục vợ chồng, thực hiện sinh đẻ có kế hoạch một cách hiệu quả nhất. Việc làm các xét nghiệm kiểm tra sức khỏe sẽ giúp phát hiện và điều trị sớm một số bệnh tật có thể ảnh hưởng đến vấn đề tình dục, mang thai, sinh đẻ. Ngoài ra, các xét nghiệm trước kết hôn cũng giúp phát hiện những nguy cơ tiềm ẩn các bệnh lý di truyền hoặc truyền nhiễm như viêm gan B, HIV/AIDS…
Ông Vũ Ngọc Dững, Phó chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên, cho biết: “Pháp luật không có quy định nào bắt buộc các cặp đôi phải đi tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân. Tuy nhiên, vì một cuộc sống gia đình hạnh phúc, vì tương lai của những đứa con khỏe mạnh, Nhà nước khuyến khích các cặp đôi sắp kết hôn nên thực hiện chương trình nói trên. Ở Phú Yên, phần lớn kinh phí của đề án Tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân nhắm vào nhóm VTN/TN trong các CLB Cha mẹ và VTN/TN về SKSS/SKTD. Trong thời gian tới, Chi cục DS-KHHGĐ sẽ tăng cường phối hợp với tổ chức Đoàn trên địa bàn tỉnh tổ chức các buổi truyền thông tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân ngoài phạm vi CLB”.
DIỆU ANH