Mùa mưa lũ, nước ở sông suối, kênh rạch dâng cao ngập các cánh đồng, đây là thời điểm cá sinh sản bơi từng đàn, nhiều người mang sâm ra ruộng kéo bắt cá đồng. Có người dùng trủ căng ngang qua sông, suối nhỏ, gọi là hứng trủ bắt cua, rạm… kiếm thêm thu nhập.
Mờ sáng trên cánh đồng phường 5, phường 8 (TP Tuy Hòa), nhiều người kéo sâm bắt cá. Sâm dùng để kéo cá là một tấm lưới dài 10m, khác với lưới thả cá, sợi cước lưới mảnh nhưng lỗ lớn; còn cước của tấm sâm to nhưng lỗ nhỏ. Dậu (chiều ngang) của sâm 3m, phía dưới gắn hàng chì nặng để khi kéo rà sát đất. Hai đầu sâm gắn vào hai cây to bằng cổ tay, hai người cầm hai đầu cây dựng đứng, một đầu duỗi cây sát đất, cứ thế kéo lùa cá đến cạnh bờ ruộng nhanh tay đưa sâm lên khỏi mặt nước, cá dồn lại rốn sâm, bắt bỏ vào thùng. Ông Trần Minh Long, một người kéo sâm, cho hay: Muốn kéo sâm phải chịu khó thức dậy sớm lội ra ao bàu, ruộng trũng, nhưng phải chọn chỗ đất trống vì nếu ruộng có lúa chét hoặc cỏ dại mọc cao thì vướng, không kéo được. Hôm nào kéo trúng luồng cá thì bán 300.000 đồng, ít hơn thì 200.000 đồng, tính ra cao hơn công lao động vì chỉ làm một buổi.
Kéo sâm bắt được loại cá nhỏ chỉ to bằng đầu đũa như cá trắng, cá rúc, cá lá tre và các loại cá mới sinh sản, loại này yếu sức bơi chậm, còn cá lớn bơi thoát ra ngoài vòng vây của sâm. Trên đường Trần Phú (TP Tuy Hòa), những ngày qua, nhiều người phụ nữ ngồi bán cá đồng. Cá phân ra 2 loại, cá rô, cá sặc to bằng 2 ngón tay trở lên bán 10.000 đồng/2 lạng (50.000 đồng/kg), còn cá nhỏ thì 10.000/3 lạng (30.000 đồng/kg). Chị Nguyễn Thị Hiền, một người bán cá ở phường 8, cho hay: “Mỗi buổi sáng, tôi ngồi bán trong vòng 2 giờ hết 10kg cá. Cá đồng mùa mưa xương mềm, thịt béo, kho với lá gừng ngon tuyệt nên nhiều người xúm mua. Có hôm không đủ cá bán cho người đi đường”.
Tranh thủ mùa mưa nước sông Trà Bương dâng cao, ông Lê Ngọc Hữu ở xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) mang trủ ra sông hứng cá. Cũng giống như sâm nhưng trủ đan bằng sợi dây dù (nilon), ở giữa có rốn trủ thòng sâu. Khi căng ngang qua sông chỗ nước chảy xiết cua, rạm lọt vào rốn trủ. “Không bỏ công sức như kéo sâm, hứng trủ chỉ việc chiều tối đem căng ngang qua sông, sáng ra thăm nhưng khi trút trủ thì cần đến 2 người. Hứng trủ chủ yếu bắt cua, rạm. Một ký rạm bán với giá 100.000 đồng, có hôm hứng được 5kg, có hôm trúng luồng rạm hứng được đến 10kg. Nghề này thu nhập cao, tuy nhiên chỉ có 3 tháng mùa mưa, nhưng trong 3 tháng đó cũng chỉ có vài ngày đón trúng luồng rạm đi. Còn cua từ đêm đến sáng bắt bán được từ 50.000 đến 100.000 đồng”, ông Hữu nói.
Theo kinh nghiệm nhiều người dân, con rạm mùa này bắt đầu theo dòng nước lụt trôi ra biển. Cách đây 2 tháng thì từ dưới biển rạm ngược dòng nước sông lên thượng nguồn sinh sản đi từng đàn. Vì vậy đón trúng luồng rạm bắt được cả thúng. Con rạm gạch nhiều ăn rất béo nên nhiều người ưa thích.
LÊ TRÂM