Đêm 29/11, trên địa bàn tỉnh Phú Yên có mưa kèm theo gió lớn. TX Sông Cầu là vùng tâm điểm của bão số 4, trong đó xã Xuân Cảnh là địa bàn có gió xoáy mạnh nhất. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Cự đã có mặt tại hiện trường, trực tiếp chỉ đạo công tác chống bão và tìm kiếm cứu nạn tại đây.
Theo Chủ tịch UBND TX Sông Cầu Phạm Kiên, trước khi bão đổ bộ vào đất liền, địa phương đã chủ động di dời hơn 716 hộ dân với hơn 2.000 người ở các xã ven biển, vùng trũng thấp Xuân Hải, Xuân Hòa, Xuân Thịnh, Xuân Phương, Xuân Đài…; gần 16.000 lồng bè của 2.100 hộ dân nuôi tôm hùm, cá và 2.700 tàu thuyền cũng được di chuyển, neo đậu an toàn.
Nhiều hộ dân được di dời tránh bão tại Trường tiểu học xã Xuân Lâm, TX Sông Cầu. |
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Quang Nhất cho biết, đến 22 giờ tối 29/11, toàn tỉnh đã sơ tán hơn 3.000 dân ở các vùng xung yếu đến nơi tránh trú an toàn; trong đó có các hộ dân vùng triều cường xóm Rớ, phường Phú Đông, TP Tuy Hòa. Khoảng 21 giờ đã xảy ra mất điện cục bộ tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, nhưng được khắc phục kịp thời sau một tiếng. Lúc 22 giờ, toàn bộ TX Sông Cầu phải cắt điện để đề phòng mưa to, gió lớn gây sự cố, thiệt hại.
Kè xóm Rớ bị sụt lún từ 0,5 đến hơn 1m. |
Sau nhiều đợt triều cường uy hiếp, đến sáng 30/11, hơn 300/690m kè xóm Rớ, phường Phú Đông, TP Tuy Hòa bị sụt lún từ 0,5 đến hơn 1m, dịch chuyển ra biển từ 2 đến 4m. Theo người dân địa phương, chỉ cần một đến hai đợt triều cường nữa, rất có thể kè xóm Rớ sẽ bị “xóa sổ”.
Trước đó, do ảnh hưởng của bão số 4, khoảng 22 giờ đêm 29/11, triều cường dâng cao trở lại, tiếp tục huy hiếp xóm Rớ với những cột sóng cao từ 3 đến 4m, đánh bổ vào bờ kè, nước biển tràn ra đường, uy hiếp nhẹ khu dân cư ven biển. Hầu hết người dân xóm Rớ đã chủ động di dời người và tài sản có giá trị đến nơi an toàn, sáng 30/11 tất cả quay trở về nơi ở cũ. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của những người lớn tuổi, có thể vài ngày tới triều cường sẽ tái xuất hiện với cường độ sóng biển mạnh hơn hiện nay.
P.NAM-A.NGỌC