Các hoạt động nâng cao hiểu biết pháp luật, trợ giúp pháp lý (TGPL) cho phụ nữ vùng nông thôn, miền núi thời gian qua đã góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho chị em, hướng đến sự công bằng, tiến bộ cho phụ nữ trong tỉnh.
Không am hiểu về luật pháp là một trong các nguyên nhân dẫn đến việc người dân nói chung và phụ nữ ở những vùng nông thôn, miền núi phải chịu rất nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Gánh nặng chăm sóc gia đình, con cái; những vất vả trong cuộc sống mưu sinh và tâm lý e ngại đã hạn chế cơ hội giao tiếp với mọi người cũng như tiếp cận các thông tin từ cuộc sống bên ngoài của chị em. Đây cũng là nguyên nhân khiến chị em khó nắm bắt các kiến thức về pháp luật. Vì vậy, tình trạng phụ nữ không am hiểu về kiến thức pháp luật, nhất là các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa khá phổ biến. Và điều này dẫn đến không ít hệ lụy, khi có nhiều phụ nữ không biết bảo vệ bản thân, nhất là các trường hợp chị em bị chồng bạo hành.
Nắm bắt điều này, chị Lê Thị Bích Nhung, Chủ tịch Hội LHPN xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) luôn chú trọng đến việc tuyên truyền vận động chị em tham gia sinh hoạt các cuộc hội, họp trên địa bàn dân cư. Nếu như ngày trước chỉ có 10% phụ nữ Xuân Quang 3 tham gia các cuộc họp ở cộng đồng thì nay con số này đã lên đến 70%. Chị Nhung phấn khởi: “Bây giờ, chị em đã bước ra khỏi “vỏ bọc” của bản thân, thể hiện tiếng nói mạnh mẽ của giới nữ ở địa phương, cũng như khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong gia đình và ngoài xã hội. Chị em chấp hành tốt hơn các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là nắm bắt các bộ luật liên quan đến bản thân như: Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Đất đai…
Làm thế nào để chị em nắm bắt và chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đó không chỉ là trăn trở của riêng Hội LHPN xã Xuân Quang 3, mà đó còn là nỗi trăn trở chung của các cấp hội LHPN trong tỉnh từ nhiều năm nay. Xác định tầm quan trọng của công tác TGPL, thời gian qua, các cấp hội LHPN trong tỉnh đã phối hợp với Sở Tư pháp, Công an và Sở LĐ-TB-XH tỉnh đẩy mạnh hoạt động TGPL hướng về cơ sở, nhất là ở các địa bàn vùng xa, vùng sâu trong tỉnh. Theo thông tin của Hội LHPN tỉnh, năm 2014 tỉnh hội đã phối hợp các ngành chức năng tổ chức truyền thông tại 15 xã, phường, thị trấn các luật Bình đẳng giới; Phòng, chống bạo lực gia đình; Phòng, chống mua bán người cho gần 800 cán bộ, hội viên phụ nữ. Đồng thời tổ chức hội nghị phổ biến giáo dục pháp luật cho 300 ủy viên ban chấp hành Hội LHPN cấp huyện, cán bộ hội phụ nữ chủ chốt cấp cơ sở, các thành viên CLB Pháp luật, CLB Trợ giúp pháp lý cho phụ nữ. Các cơ sở hội truyền thông cho 198.138 lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ thông qua các đợt sinh hoạt CLB, tổ hội…
Chị Hờ Mai, Phó chủ tịch Hội LHPN xã Ea Bia (huyện Sông Hinh) thổ lộ: “Được tham gia các buổi tập huấn kỹ năng tuyên truyền các kiến thức về pháp luật do Hội LHPN tỉnh tổ chức, tôi cũng như nhiều cán bộ hội ở các địa phương khác được trang bị thêm nhiều kiến thức, kỹ năng tuyên truyền vận động chị em ở các thôn, buôn chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật, cùng chung tay xây dựng cuộc sống buôn làng bình yên”. Chị Triệu Thị Thủy, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ buôn Tun Chách (xã Ea Bia, huyện Sông Hinh) chia sẻ: “Nhiều chị em trong buôn không được đi học, trình độ có hạn, quanh năm lo bám nương rẫy làm ăn, họ không được biết nhiều về các luật Bình đẳng giới, Hôn nhân gia đình, Phòng chống bạo lực gia đình… Nhờ những đợt truyền thông của hội mà chị em biết có nhiều bộ luật bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho bản thân mình”.
Theo Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Minh Phương, trong thời gian tới hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho chị em. Tích cực phối hợp với các ngành chức năng, đặc biệt là Sở Tư pháp tổ chức trợ giúp pháp lý cho chị em; củng cố và nhân rộng các mô hình CLB Phụ nữ với pháp luật, Trợ giúp pháp lý cho phụ nữ, Quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và các tệ nạn xã hội… để góp phần đáp ứng cơ bản nhu cầu hiểu biết và nâng cao kiến thức của cán bộ, hội viên, phụ nữ; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho chị em, giúp chị em thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao nhận thức vai trò, vị trí của người phụ nữ trong gia đình và xã hội.
THỦY VĂN