* Các địa phương chủ động ứng phó bão lũ
Ngày 29/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt, bão Trung ương Cao Đức Phát có chuyến thị sát kiểm tra thực tế công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) tại các điểm xung yếu và làm việc với tỉnh Phú Yên.
Cùng đi có các đồng chí: Huỳnh Tấn Việt, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Quang Nhất, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban ngành, ban chỉ huy phòng, chống lụt bão tỉnh và các địa phương.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ đạo chính quyền các địa phương, trước khi bão tới, không để tàu thuyền hoạt động trên biển, khẩn trương di dời người dân tại các vùng xung yếu đến nơi an toàn. Tập trung sắp xếp lại tàu thuyền tại các khu neo đậu đảm bảo an toàn, tuyệt đối không cho người ở lại trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản. Đối với những trường hợp không chịu lên bờ, cần thiết phải tổ chức cưỡng chế. Đối với tình hình triều cường ở xóm Rớ, phường Phú Đông (TP Tuy Hòa), địa phương phải khẩn trương di dời dân đến nơi an toàn…
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Trưởng ban chỉ đạo PCLB Trung ương Cao Đức Phát làm việc với lãnh đạo tỉnh - Ảnh: A. NGỌC |
* TP Tuy Hòa: Đồn Biên phòng Tuy Hòa cử 30 chiến sĩ giúp dân
Tại TP Tuy Hòa, sáng 29/11, Đồn Biên phòng TP Tuy Hòa đã cử cán bộ, chiến sĩ đến tuyên truyền, hỗ trợ người dân các xã, phường ven biển chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 4 sắp đổ bộ vào Phú Yên. Theo trung tá Đặng Ngọc Hiệu, đơn vị tập trung vào 2 điểm xung yếu nhất, gồm khu vực thường xảy ra triều cường tại xã An Phú và xóm Rớ, phường Phú Đông. Đặc biệt, khu vực xóm Rớ thường xuyên bị triều cường tấn công gây sạt lở kè đá, uy hiếp đến tính mạng cũng như tài sản của người dân. Đồn Biên phòng Tuy Hòa đã cử hơn 30 cán bộ, chiến sĩ tập trung dào bao cát để xây tường chắn sóng, hạn chế tình trạng sóng biển đánh sập nhà. Bên cạnh đó, cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng TP Tuy Hòa cũng hỗ trợ người dân di chuyển đồ đạc đến nới an toàn, vận động người dân di tản khỏi nơi nguy hiểm.
Tại kè xóm Rớ, phường Phú Đông, TP Tuy Hòa, từ 10 giờ sáng 29/11, triều cường bắt đầu xuất hiện cuốn trôi nhiều đoạn kè rọ đá, uy hiếp khu dân cư. Đến 16 giờ cùng ngày, tần suất, cường độ sóng biển tiếp tục tăng cao với những cột sóng cao từ 2 đến 3m khiến người dân lo lắng. “Sóng biển lớn kết hợp với bão lũ, rất có thể đêm 29, sáng sớm 30/11 triều cường sẽ diễn biến phức tạp hơn. Vì vậy, chúng tôi phải thức đêm để canh chừng sóng dữ, kịp thời di chuyển người, tài sản đến nơi an toàn”, bà Trương Thị Thu, người dân xóm Rớ, khu phố 4, phường Phú Đông cho biết.
Kiểm tra thực tế tại hiện trường khu vực xóm rớ, Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ đạo chính quyền các địa phương, trước khi bão tới, không để tàu thuyền hoạt động trên biển, di dời người, tài sản, nhất là lồng bè nuôi trồng thủy sản của ngư dân. Đối với kè xóm Rớ, bộ trưởng cho rằng, cần đóng cọc, xây kè biển chắn sóng mới đảm bảo an toàn lâu dài cho người dân ven biển và chống xâm thực bờ, chứ thể xây kè tạm như hiện nay.
Theo Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh, từ ngày 28/11 đã cấp tốc triển khai các phương án phòng tránh bão số 4, trong đó đặc biết chú ý đến vùng ven biển và hạ du các con sông. Sáng 29/11, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã lập các đoàn công tác về các địa phương kiểm tra tình hình triển khai phương án phòng tránh bão số 4. Theo đó, yêu cầu chính quyền các địa phương ven biển như huyện Đông Hòa, Tuy An, TX Sông Cầu và TP Tuy Hòa phối hợp với các đồn biên phòng thường xuyên thông báo cho những chủ tàu đang hoạt động trên biển biết vị trí, diễn biến của bão số 4 để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm; có phương án tổ chức, sắp xếp khu vực neo đậu tàu thuyền, lồng bè nuôi thủy sản an toàn; kiểm soát, quản lý chặt chẽ và cấm ngư dân ra khơi từ sáng 29/11. Các đơn vị quản lý hồ chứa thủy lợi và thủy điện bố trí người trực 24/24 sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố. Công ty cổ phần Thủy điện Sông Ba Hạ phối hợp Trung tâm khí tượng thủy văn Phú Yên theo dõi tình hình mưa lũ trên lưu vực sông Ba để đảm bảo an toàn cho hạ du khi có mưa lũ về.
Chiến sĩ Đồn biên phòng TP Tuy Hòa giúp người dân xóm Rớ dào bao cát để xây tường chắn sóng. |
* TX Sông Cầu: Chủ động hướng dẫn tàu thuyền, lồng bè vào nơi an toàn
Đến chiều 29/11, TX Sông Cầu đã hướng dẫn 69 chiếc tàu thuyền với 325 lao động đang đánh bắt trên biển vào nơi tránh trú an toàn, 2.700 phương tiện đã neo đậu tại các khu tránh trú bão trên địa bàn. Gần 16.000 lồng bè của hơn 2.100 hộ dân nuôi tôm hùm, cá biển được đưa về nơi neo đậu chằn chống an toàn. TX Sông Cầu đang tổ chức di dời 256 hộ với hơn 1.100 khẩu phân bố tập trung ở các vùng dân cư bị ảnh hưởng bởi nước dâng, triều cường về nơi an toàn. TX Sông Cầu đang tiếp tục giải tỏa luồng lạch, tuyên truyền vận động các chủ lồng bè tiếp tục chằng néo các lồng, bè, nhanh chóng vào bờ, để đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho nhân dân. Đối với những trường hợp không chịu lên bờ, sẽ tiến hành cưỡng chế và đưa lên bờ.
* Huyện Đông Hòa: Triển khai phương án phòng chống bão tại Vũng Rô
Sáng 29/11, đồng chí Nguyễn Ngọc Ẩn, Phó chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra tình hình phòng chống bão tại huyện Đông Hòa.
Các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án 4 tại chỗ để phòng chống cơn bão số 4 sắp đổ bộ vào Phú Yên. Ngay khi có tin bão sắp xảy ra, huyện Đông Hòa chỉ đạo các lực lượng chức năng tập trung thông báo, tuyên truyền cho người dân biết và chủ động phòng chống bão. Theo kế hoạch, huyện Đông Hòa di dời 2.410 hộ dân ở các vùng trũng, vùng thấp, vùng triều cường đến nơi an toàn. Trên địa bàn huyện có 703 phương tiện đánh bắt hải sản với khoảng 3.313 lao động. Tất cả các phương tiện đã vào nơi neo đậu an toàn.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Ẩn yêu cầu các xã, thị trấn ven biển của huyện Đông Hòa cần theo dõi sát diễn biến của bão để kịp thời ứng phó, tuyệt đối không cho tàu thuyền ra khơi trong thời gian có bão. Đồng thời chú trọng các phương án phòng chống bão tại Vũng Rô; kiểm tra tình hình sắp xếp, neo đậu tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản an toàn, hạn chế thiệt hại do bão gây ra. Tất cả phải đảm bảo tuyệt đối không có người trên các tàu, thuyền, lồng, bè nuôi trồng thủy sản khi có bão.
Đối với dự án Hầm đường bộ qua đèo Cả đang được triển khai, huyện Đông Hòa đã đề nghị ban chỉ huy công trường phải dừng mọi hoạt động thi công, đưa 300 lao động đang làm việc tại đây đến nơi tránh bão an toàn.
* Huyện Đồng Xuân: Di dời dân khỏi vùng ngập lụt
Cầu La Hai (Đồng Xuân) đã bị ngập từ trưa ngày 29/11 - Ảnh: H.NAM |
Ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân cho biết, đến 14 giờ ngày 29/11, các địa phương trong huyện thông báo, vận động nhân dân di dời khỏi vùng ngập lụt. Theo đó, khu vực dân cư vùng trũng nằm ven sông Kỳ Lộ thôn Tân Long (xã Xuân Sơn Nam), di dời dân vào khu chợ Tân Vinh; vùng rũng thôn Tân Hòa (xã Xuân Sơn Nam), di dời vào vùng cao dưới chân Núi Đất; còn khu dân cư ngay điểm cầu thôn Tân Hòa (giao nhau với ĐT641, đây là đoạn đường trũng, di dời vào phía trong đường sắt. Khu vực xóm Giữa (thị trấn La Hai), di dời vào Trung tâm Thể thao - Văn hóa, HTX, UBND thị trấn La Hai. Xóm Soi ở thôn Phước Hòa (xã Xuân Phước) di dời vào xóm Gò. Trên địa bàn xã Xuân Phước còn cách trở bởi cầu Suối Trầu và cầu Suối Tía. Hai cây cầu này nằm trên ĐT647 thường xuyên bị ngập nước, huyện đã cử lực lượng cứu hộ trực không cho người qua lại khi nước lũ lớn.
Đặc biệt, trên ĐT647, từ xã Xuân Phước đi Phú Mỡ, có rất nhiều tràn thoát lũ qua đường thường xuyên bị ngập nước. Để chủ động phòng tránh thiệt hại về người và tài sản do mưa lũ gây ra, các địa phương đã thiết lập cắm các biển cảnh báo nguy hiểm, xây dựng cọc tiêu, đồng thời cử lực lượng cứu hộ trực 24/24 giờ ở 2 đầu đường tràn, hướng dẫn người và phương tiện qua lại an toàn.
Các địa phương thành lập đội thanh niên xung kích phòng chống lụt bão tổ chức trực 24/24 giờ để ứng cứu, giúp dân chằng chống nhà cửa, chặt cây xanh cao to cạnh nhà, mé nhánh để tránh bão quật đổ làm sập nhà.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Trưởng ban chỉ đạo PCLB Trung ương Cao Đức Phát kiểm tra tại khu neo đậu tàu thuyền đầm Cù Mông (TX Sông Cầu) - Ảnh: A. NGỌC |
* Huyện Phú Hòa: Di dời 118 hộ đến nơi an toàn
Theo UBND huyện Phú Hòa, ngay từ 7 giờ sáng 29/11, UBND huyện đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp cho công tác phòng chống lụt bão. UBND huyện đã cử các lưc lượng liên quan thực hiện di dời dân ở những vùng trũng thấp, vùng ven sông suối như xóm Bến xã Hòa Hội, xóm Búng xã Hòa Định Tây, các thôn Quy Hậu, Đồng Phước… ở xã Hòa Quang Bắc, Hòa Trị, Hòa An. Đến 17 giờ có 118 hộ, 458 khẩu trên địa bàn đã được di dời tới nơi an toàn. UBND huyện cử lực lượng túc trực để kiểm soát diễn biễn sạt lở tại Sông Ba đoạn quan huyện để có phương án ứng phó kịp thời.
* Để đảm bảo an toàn tính mạng học sinh, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo tất cả các trường học, cơ sở giáo dục trong tỉnh cho học sinh nghỉ học từ chiều 29/11 cho đến khi hết bão số 4. Đồng thời, chỉ đạo huy động lực lượng kiểm tra, bảo đảm cơ sở vật chất, bảo quản trang thiết bị dạy và học tuyệt đối an toàn trước bão và lũ.
* Theo UBND tỉnh, đến 16 giờ chiều 29/11, trên địa bàn tỉnh còn 79 tàu thuyền với 637 lao động đang hoạt động đánh bắt trên biển ở ngoài tỉnh, trong đó có 2 tàu với 14 lao động đã vào đảo Đá Tây, quần đảo Trường Sa tránh trú, 74 tàu cá với 589 lao động đang di chuyển vào phía nam để tránh trú, 1 tàu cá với 16 lao động vào đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) tránh trú, 2 tàu cá với 18 lao động vào đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) tránh trú. Tất cả các tàu thuyền trên đều nhận được thông tin về bão số 4 và thường xuyên liên lạc về gia đình và bộ đội biên phòng…
Các hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh đang tích nước khoảng 40% - 60% dung tích hồ chứa. Công tác di dời dân ở những vùng xung yếu đang được triển khai và dự kiến đến 18 giờ chiều 29/11 di dời xong. Các khu neo đậu tàu thuyền và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đã được sắp xếp an toàn và hạ lồng nuôi thủy sản xuống mức an toàn…
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 17 giờ ngày 29/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,3 độ vĩ bắc; 110,0 độ kinh đông, trên vùng biển Bình Định – Phú Yên. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74km/giờ), giật cấp 9, cấp 10.
Dự báo trong khoảng 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi vào đất liền nam Bình Định - bắc Khánh Hòa sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là vùng thấp.
Đến 4 giờ ngày 30/11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 13,3 độ vĩ bắc; 108,0 độ kinh đông, trên đất liền các tỉnh Gia Lai – Đắk Lắk. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39km/giờ).
Do ảnh hưởng của bão vùng biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6 - 7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 9 - 10. Sóng biển cao từ 2 - 4m. Biển động rất mạnh (cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3). Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Phú Yên có gió mạnh cấp 6 - 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9 - 10 (cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3).
Ở sâu trong đất liền các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Đắk Lắk có gió giật mạnh cấp 6 - 7. Các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to đến rất to.
Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, vùng áp thấp này tiếp tục di chuyển về phía Tây, suy yếu và tan dần. Ở các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to.
Ngoài ra, khoảng đêm 30/11 sẽ có một đợt gió mùa đông bắc mạnh ảnh hưởng đến Bắc Bộ gây gió mạnh trên vịnh Bắc Bộ cấp 7, giật cấp 9, sau đó ảnh hưởng đến Trung Bộ gây mưa vừa, mưa to đến rất to.
Nhóm PV