Nghề làm thạch sâm nam khá phổ biến ở Nam Trung Bộ. Ở một số vùng quê, nghề này vẫn đang được duy trì. Mỗi ký lá sâm nam sau khi chế biến thành món ăn đem bán, có thể kiếm được vài trăm ngàn đồng.
TỪ RỪNG ĐẾN VƯỜN
Sâm nam là loài dây leo, còn gọi là sương sâm lông, tên khoa học Cyclea barbata, thành phẩm làm ra từ lá của nó gọi là thạch sâm nam, sương sâm hoặc sâm sương. Người dân Nam Trung Bộ dùng chữ “sâm nam” để gọi gọn từ dây, lá, đến thành phẩm làm ra. Theo đông y, thạch sâm nam có công năng hạ nhiệt, lợi tiểu, nhuận trường và giải độc. |
Dây sâm nam là loài mọc tự nhiên trên núi, chịu được đất cằn. Mỗi ngày, vừa mờ đất, anh Cao Thanh Bình (ở xã Hòa Quang Nam, huyện Phú Hòa) và mấy người bạn đã có mặt tại cửa rừng để hái lá sâm nam. Chỉ những người quen hái lá sâm nam mới biết chúng mọc ở đâu, người không quen đôi khi lá ở ngay trước mắt vẫn không nhận ra hoặc hái nhầm thứ lá khác như lá mối, lá bát. Một người bạn cùng đi hái lá với anh Bình nói: “Tôi có thể thấy bụi sâm nam cách xa vài chục mét vì đọt của nó vươn lên cao, đọng sương mai, sáng lấp lánh dưới ánh mặt trời”. Mỗi người ghi nhớ lối đi có lá sâm nam cho riêng mình. Tích cực rong ruổi, luồn từ đồi này sang cánh rừng kia, đến trưa mới được ký lá, đủ cho vợ vò ra bán trong ngày. Anh Bình nói lá này ngày càng ít do người ta phá rừng làm rẫy, hôm nào trúng mánh hái được nhiều thì bán bớt, giá 100.000 đồng/kg.
Cũng đã lâu rồi, nhiều người lên núi lấy hột, có người bứng cả gốc sâm nam từ rừng đem về trồng trong vườn nhà. Người dân tại các huyện Phú Hòa, Đông Hòa, Tuy An hiện trồng nhiều sâm nam để hái lá bán. Tuy nhiên, sâm nam trồng thường bị úng chết, lá mỏng, vò không lợi nước bằng lá ở rừng. Thế nên các hộ chế biến thạch sâm nam từ xưa đến nay vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn lá hái từ rừng.
ĐÔI ĐIỀU VỀ NGHỀ SÂM NAM
Một chén thạch sâm nam - Ảnh: P.Hiên |
Trước khi chế biến, lá sâm nam được trải ra hong cho dịu đi để khi vò khỏi nát, lá càng già ngả sang màu vàng, càng chất lượng. Chị Phú - người bán sâm nam ở chợ Hòa Quang - cho hay: “Vò sâm nam ai cũng biết. Bỏ ít lá vô thau vò với nước lạnh, lược xác đi rồi mài chút nang mực biển rắc vô, đợi vài tiếng sẽ đông thạch màu xanh lợt (nhạt), cắt ra từng miếng, hòa nước đường là ăn được”. Còn chị Hoa - một người chuyên nghề làm sâm nam - nói: “Dễ làm thì cũng dễ hư. Sạch sẽ là khâu phải nghĩ đến trước tiên khi vò sâm nam. Nang mực bỏ nhiều cũng hư, ít cũng hư. Khi vò không khéo sâm nam nổi bọt làm bề mặt không mịn, mau rã thành nước. Kén nhất là nước để vò, có khi cả xóm chỉ có một giếng nước vò được sâm nam thôi, phải đến đó xin nước về vò. Có khi sâm nam hư không hiểu vì lý do gì… Nhà tôi nay mua nước lọc về vò, sâm nam khó hư hơn, cũng là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”.
Một ngày làm việc của gia đình chuyên nghề sâm nam như vợ chồng anh Bình, là: 3 giờ sáng anh phụ vợ gánh sâm nam ra chợ Hòa Quang, cách nhà gần cây số. Quay về, anh ăn cơm rồi tập trung mấy “chiến hữu” chạy xe lên rừng hái lá. Trưa anh đem lá về, vợ anh cũng bán hết gánh hàng. Ăn trưa xong, vợ chồng ngủ bù do thức khuya, dậy sớm. 4 giờ chiều bắt đầu bày thau ra, vợ chồng cùng vò sâm nam rồi lọc, nấu. 7 giờ tối làm xong, nghỉ tay ăn cơm. Sau đó vợ chồng người giã gừng, người thắng nước đường, lục đục chuẩn bị ly, chén, quang gánh, vừa làm vừa xem phim truyền hình, loay hoay đến 10 giờ tối mới xong. Nếu không trục trặc gì, mỗi ngày vợ chồng anh kiếm được 400.000 đồng, đủ trang trải, lo cho con ăn học và có dư chút đỉnh để phòng hậu sự.
Sau nhiều năm làm nghề sâm nam xen vô những lúc nông nhàn, nhiều gia đình ở xã Hòa Quang Nam đã có của ăn của để, nhà cửa khang trang. Chị Hoa nói: “Không còn nhiều người làm nghề sâm nam, cả tỉnh Phú Yên này chắc chỉ khoảng vài ba chục hộ chuyên nghề. Người dân ở đây vẫn còn thói quen ăn sâm nam, như là món quà vặt hằng ngày, có nhà dùng đãi khách hoặc để trong tủ lạnh ăn dần, nhất là dịp lễ tết, ngày nắng nóng. Nghề này lai rai sống được, khi nào người ta hết ăn sâm nam thì mình mới nghỉ làm”.
Rồi chị tủm tỉm nhắc một khúc ca dao: “Lối về con thấy sâm sương/Leo đầy bờ giậu con thương quá chừng…”.
PHÙNG HI - ĐỨC TUẤN