Ô nhiễm không khí ngày càng trở nên trầm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Mặc dù Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã có những quy định về quản lý ô nhiễm không khí nhưng vẫn còn thiếu những quy định cụ thể và chế tài liên quan để quản lý vấn đề này.
Theo Bộ TN-MT, hầu hết các đô thị nước ta đều bị ô nhiễm bụi, nhiều nơi bị ô nhiễm trầm trọng tới mức báo động. Nồng độ bụi trong không khí ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng trung bình lớn hơn tiêu chuẩn cho phép từ 2 đến 3 lần, đặc biệt ở các nút giao thông thuộc các đô thị này nồng độ bụi lớn hơn tiêu chuẩn cho phép từ 2 đến 5 lần. Tại các khu đô thị mới đang diễn ra quá trình thi công xây dựng nhà cửa, đường sá và hạ tầng kỹ thuật thì nồng độ bụi thường vượt tiêu chuẩn cho phép từ 10 đến 20 lần. Đáng lưu ý, không khí ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đang có xu hướng tăng đáng kể nồng độ khí ozone.
Nồng độ ozone trong không khí tăng cao gây nguy hại cho sức khỏe con người. Lý do khiến nồng độ ozone trong không khí ở các đô thị Việt Nam tăng cao là do ảnh hưởng của giao thông và sản xuất công nghiệp, nhất là sự gia tăng phương tiện ô tô, xe máy. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng rất lo ngại khi những nghiên cứu gần đây cho thấy, nồng độ ozone lại tăng mạnh vào ban đêm (trái với quy luật thông thường ngày cao đêm thấp) nhưng chưa tìm ra nguyên nhân.
Theo Bộ TN-MT, việc xác định mức độ ô nhiễm, kiểm soát nguồn phát thải khí hoàn toàn khác biệt và phức tạp hơn so với kiểm soát ô nhiễm khác. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có các văn bản quy phạm pháp luật đặc thù, chuyên biệt cho vấn đề quản lý và kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí. Để hoạt động quản lý và kiểm soát chất lượng không khí đạt hiệu quả cần hoàn thiện các cơ chế, chính sách và pháp luật, đặc biệt cần thiết xây dựng các văn bản quy định riêng đối với môi trường không khí.
NHƯ THANH (tổng hợp)