Đến cuối năm 2013, Phú Yên có 536.540 người trong độ tuổi lao động, trong đó lực lượng lao động nông thôn chiếm hơn 78%. Đây là lý do để các ngành chức năng chú trọng đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, các vùng sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến và nhu cầu của doanh nghiệp. Mục tiêu là hơn 70% lao động có được việc làm ổn định sau khi học nghề.
Lao động nông thôn huyện Sơn Hòa học nghề may - Ảnh: K.CHI |
Trong giai đoạn từ năm 2011 đến 2013, mỗi năm Phú Yên có từ 9.000 đến 10.000 lao động tham gia học nghề, trong số đó có khoảng 2.000 đến 3.000 lao động học nghề dài hạn; 6.000 đến 7.000 lao động học nghề ngắn hạn.
Phát huy kết quả đạt được, năm 2014, UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường dạy nghề cho lao động nông thôn. Học viên khi tham gia học các nghề nông nghiệp phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, sản xuất nông nghiệp và yêu cầu tái cấu trúc ngành Nông nghiệp; đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo nghề thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá hạng 4 cho lao động là ngư dân đang tham gia đánh bắt ở các ngư trường xa khơi như Trường Sa, Hoàng Sa… Đối với nghề phi nông nghiệp, việc đào tạo phải xuất phát từ quy hoạch sản xuất công nghiệp, dịch vụ, quy hoạch phát triển tiểu thủ công nghiệp, nhu cầu sử dụng lao động theo vị trí việc làm của doanh nghiệp.
Ông Võ Văn Nhâm, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Tây Hòa, cho biết: Trung tâm đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và Phòng LĐ-TB-XH huyện tuyển sinh, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho 223 lao động sau khi tốt nghiệp lớp sơ cấp nghề may công nghiệp. Xí nghiệp may An Phát thuộc Công ty cổ phần An Hưng đóng tại xã Hòa Phong nhận 117 người vào làm việc đợt 1, còn lại 106 người sau khi tốt nghiệp vào tháng 11 sẽ tiếp tục được bố trí việc làm vào đầu tháng 12/2014. Lao động tại Xí nghiệp may An Phát bước đầu được trả lương theo sản phẩm với mức thu nhập từ 2,2 đến 2,5 triệu đồng/người/tháng; sau 1 năm tay nghề ổn định, sản phẩm làm ra đạt chất lượng và hiệu quả thì mức lương và thu nhập sẽ tăng lên từ 3,5 đến 4 triệu đồng/người/tháng.
Theo ông Bùi Văn Hợp, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Đồng Xuân, thì trong năm 2014, trung tâm đã đào tạo nghề mây tre đan cho 160 lao động. Số lao động sau khi tốt nghiệp được DNTN sản xuất gia công chế biến hàng mây tre đan Lộc Thu có trụ sở tại thị trấn La Hai và cơ sở sản xuất đóng tại xã Xuân Sơn Bắc (huyện Đồng Xuân) thu nhận vào làm việc với mức thu nhập từ 1,2 triệu đồng/người/tháng đối với lao động mới vào; lao động kỹ thuật tay nghề cao hơn có mức thu nhập từ 2,2 đến 2,5 triệu đồng/người/tháng.
Đây được xem là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền cơ sở, cơ quan chức năng và doanh nghiệp trên địa bàn ở cấp huyện. Trong quá trình thực hiện, có thể khẳng định rằng việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn là việc khó, nhưng để người lao động sau khi học nghề có được việc làm đạt trên 70% là việc còn khó hơn.
Năm 2014, Tổng cục Dạy nghề hỗ trợ 6,9 tỉ đồng để tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho 3 trung tâm dạy nghề (TX Sông Cầu, huyện Đông Hòa, huyện Tây Hòa), Trường trung cấp Nghề Thanh niên dân tộc Phú Yên và Trường cao đẳng Nghề Phú Yên. Ngoài ra, các huyện, thị xã cũng bố trí thêm kinh phí từ ngân sách địa phương để thực hiện công tác dạy nghề cho lao động, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu UBND tỉnh giao. Qua 9 tháng đầu năm 2014, các cơ sở dạy nghề trong tỉnh đã đào tạo được 5.470 lao động, trong đó hệ cao đẳng và trung cấp nghề 835 người, sơ cấp và dạy nghề thường xuyên dưới 3 tháng 4.635 người, đạt 77% kế hoạch giao. Hiện các trung tâm dạy nghề trên toàn tỉnh đang tiếp tục mở lớp đào tạo nghề, phấn đấu hoàn thành 100% chỉ tiêu UBND tỉnh giao.
Mục tiêu đến cuối năm 2015, tỉ lệ lao động qua đào tạo tại Phú Yên đạt 55%, trong đó qua đào tạo nghề là 41%. Để thực hiện mục tiêu này, UBND tỉnh đã giao Sở LĐ-TB-XH phối hợp với các địa phương, các cơ sở dạy nghề xây dựng kế hoạch đào tạo cho từng nghề cụ thể và bắt buộc phải tuân thủ tiêu chí là gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lao động của địa phương và đảm bảo an sinh xã hội. Cơ cấu ngành nghề đào tạo sẽ giảm dần tỉ trọng nông - lâm nghiệp, thủy sản, tăng tỉ lệ lao động được đào tạo trong các lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, thương mại, góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động, đảm bảo nguồn nhân lực có tay nghề cao, giải quyết việc làm ổn định cho nhiều lao động, thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới ở Phú Yên.
LÊ VĂN PHỔ
Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB-XH