Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định bảo hiểm xã hội (BHXH) là chính sách quan trọng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và đặt mục tiêu đến năm 2020, phấn đấu khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH. Thế nhưng, gần 2 năm qua, tình hình nợ BHXH ở Phú Yên tiếp tục tăng trong khi số người tham gia lại giảm.
NỢ BẢO HIỂM XÃ HỘI TĂNG
Theo BHXH Phú Yên, cuối năm 2012, toàn tỉnh có số nợ BHXH là 38,5 tỉ đồng, chiếm 5,1% tổng số thu; năm 2013 số nợ tăng lên 52,6 tỉ đồng (tỉ lệ 5,7%), đến cuối tháng 8/2014, nợ BHXH là 74,2 tỉ đồng (tỉ lệ 7,5%). Nợ BHXH tập trung ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, đơn vị có số lao động lớn, nợ kéo dài nhiều tháng liền và rất khó thu hồi. Điển hình như Công ty cổ phần Lilama 45.3, Công ty cổ phần Công nghiệp gỗ Trường Thành, Công ty TNHH Trồng cây kiểng xuất khẩu Phú Yên, Công ty TNHH Kiến trúc A-C, Công ty cổ phần Tinh bột sắn FOCOCEV, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Tuấn Tú…
Nợ BHXH xuất phát từ tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn và ý thức chấp hành pháp luật BHXH của chủ sử dụng lao động hạn chế. Nhiều đơn vị nợ luôn cả số tiền BHXH người lao động đóng, mang tính chiếm dụng vốn, vì thực tế số tiền lãi do chậm nộp BHXH thấp hơn lãi suất vay ngân hàng.
Ông Trần Quang Vinh, Giám đốc BHXH Phú Yên, cho biết: Cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp thu hồi nợ đọng BHXH nhưng chưa mang lại hiệu quả. Thanh tra lao động và các đoàn kiểm tra liên ngành thường xuyên kiểm tra, xử phạt nhưng cũng chỉ nhận được những bản cam kết trên giấy, rồi sau đó… tiếp tục nợ. Từ năm 2013 đến nay, ngành BHXH tỉnh đã khởi kiện 20 đơn vị nợ BHXH ra tòa nhưng khả năng thi hành án rất thấp, chỉ một vài đơn vị chuyển nộp một phần số tiền nợ.
Đơn vị nợ kéo dài, quỹ BHXH thất thoát, ảnh hưởng đến mục tiêu thực hiện chính sách an sinh xã hội lâu dài; bức xúc hơn, nợ BHXH gây nên thiệt thòi trực tiếp cho người lao động ở những đơn vị vốn đã có thu nhập rất thấp.
NGƯỜI THAM GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI GIẢM
Nợ BHXH tăng, trong khi số người tham gia tính từ năm 2013 đến nay giảm, nguyên nhân là do số tham gia mới thấp hơn số lao động giảm, cụ thể từ đầu năm 2013 đến nay, số người tham gia mới tăng 8.311 người, trong khi giảm đến 8.474 người (cuối năm 2012 toàn tỉnh có 47.355 người tham gia BHXH bắt buộc, đến tháng 8/2014 con số này là 47.192, giảm 163 người).
Hiện chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH đạt 14% theo Nghị quyết của HĐND tỉnh chỉ trông chờ vào hình thức BHXH tự nguyện. Thế nhưng, từ năm 2013, toàn tỉnh có 3.282 người tham gia BHXH tự nguyện, chủ yếu là những người do ngân sách tỉnh hỗ trợ mức đóng như phó trưởng công an xã, công an viên, xã đội phó, những người có thời gian đóng BHXH bắt buộc cần đóng thêm vài năm để đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí.
Doanh nghiệp làm ăn khó khăn cắt giảm lao động. Thêm vào đó, hàng loạt doanh nghiệp trốn tránh trách nhiệm đóng BHXH cho người lao động hoặc lách luật bằng cách không ký hợp đồng hoặc hợp đồng thời vụ, hợp đồng dưới 3 tháng. Người lao động vì sức ép có việc làm cũng đành thỏa thuận với doanh nghiệp trốn đóng BHXH. Trong khi việc thanh tra xử phạt của ngành chức năng rất hạn chế. Đơn cử như Công ty TNHH Xây dựng Hòa Mỹ (TX Sông Cầu) sử dụng gần trăm lao động qua nhiều năm với công việc khai thác đá nặng nhọc, nguy hiểm nhưng không đóng BHXH, khi thanh tra lao động xử phạt thì công ty này đăng ký tham gia… 7 người. Thêm vào đó, đa số lao động trên địa bàn tỉnh làm việc tại các doanh nghiệp nhỏ thiếu ổn định, thường xuyên bỏ việc, bất chấp hợp đồng và một khi chưa có ý định làm ăn lâu dài thì bản thân họ cũng không muốn đóng BHXH.
Đảm bảo quyền lợi cho người lao động là vấn đề rất quan trọng được xã hội quan tâm. Không tham gia BHXH, quyền lợi người lao động bị bỏ ngỏ. Thiệt thòi nhất phải kể đến lao động nữ bởi ngoài hưởng chế độ trợ cấp thai sản khi sinh con thì họ có nhiều rủi ro về nghề nghiệp, ốm đau… Chưa kể thời gian nghỉ hưu của nữ sớm hơn nam giới nên nếu chậm vài năm thì rất nhiều khả năng không đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí.
TRÚC LY