Với biến đổi về cấu trúc gia đình ngày nay thế hệ trẻ đã có những thay đổi nhận thức quan niệm về văn hóa gia đình. Nếu như trước đây, chúng ta thường thấy mô hình gia đình 3 thế hệ là rất phổ biến theo quan niệm “Trẻ cậy cha, già cậy con” được các thế hệ cha ông trân trọng bấy nhiêu thì lớp trẻ bây giờ lại có xu hướng xa rời, hời hợt trong tiếp nhận những giá trị bất biến từ gia đình truyền thống.
Người già thích quây quần bên con cháu - Ảnh: M.M.TÂM |
Theo kết quả điều tra về công tác gia đình tại một số địa phương, ở Phú Yên cấu trúc gia đình hiện nay đang tồn tại dưới hai loại hình chủ yếu: Gia đình hạt nhân (2 thế hệ cha mẹ - con) là loại hình gia đình phổ biến nhất, chiếm tỉ lệ khoảng 82%; trong đó, thành phố là 78%; đồng bằng 80%; nông thôn, miền núi, vùng biển trên 72%. Gia đình 3 thế hệ chiếm khoảng 15 đến 18% chủ yếu là vùng nông thôn, miền núi và vùng biển. Gia đình 4 thế hệ chiếm khoảng 2 đến 3% cũng chủ yếu là ở vùng nông thôn, miền núi.
Giới trẻ bây giờ quá đề cao sự tự do cá nhân, nhất là cư dân ở các khu trung tâm đô thị, những đôi nam nữ thanh niên có nghề nghiệp, việc làm ổn định, khi lập gia đình đã nhanh chóng tìm nơi ở riêng. Bởi ở riêng để được tự do trong đi đứng, nói năng, ăn ở… mà không phải xét nét, chịu sự giám sát, nhắc nhở, bảo ban của những người lớn tuổi như “đi thưa, về trình”, “gọi dạ, bảo vâng”...
Chưa kể những trường hợp vợ chồng trẻ gặp phải ông bà, cha mẹ thuộc diện kỹ tính thường xảy ra cảnh hục hặc “mẹ chồng, nàng dâu” thì việc tách hộ, ở riêng để tránh khỏi sự ràng buộc đó càng nhanh hơn. Mặt khác, vợ chồng trẻ ở riêng còn có lý do tích cực là được độc lập về kinh tế, tự tổ chức và tự chịu trách nhiệm về cuộc sống gia đình để khẳng định tính tự lập vì không muốn chung đụng, nhờ vả sự giúp đỡ của cha mẹ. Đây là lớp người thích tự do cá nhân một cách tuyệt đối, ít quan tâm về quá khứ, cội nguồn.
Con cái chăm sóc ông bà, cha mẹ theo kiểu “trợ cấp”, mức đóng góp để phụng dưỡng ông bà, cha mẹ tùy thuộc vào thu nhập của con cháu. Giữa thế hệ trẻ và già có những sự khác biệt cơ bản, người cao tuổi có những quan niệm giá trị cổ điển, phương thức cuộc sống cũng khác so với người trẻ. Vì thế khi giao tiếp giữa ông bà, cha mẹ và con cái không giữ được sự hòa hợp và có những khoảng cách về cuộc sống. Nguy cơ này tạo ra cảnh người già lâm vào tình trạng neo đơn, ít được chăm sóc chu đáo. Chức năng giáo dục gia đình truyền thống cũng bị suy giảm từ đây.
Hồi còn nhỏ, tôi là con cả của gia đình có nhiều anh em nên tôi nhận biết và nhớ rất rõ công lao của ông bà trong dạy dỗ con cháu. Ba mẹ lấy nhau, khi ba mới 18, mẹ 16 tuổi. Đặt mình vào thời ấy, tôi nghĩ ba mẹ không thể làm tròn bổn phận tình nghĩa vợ chồng và chức trách cha mẹ nếu không có ông bà nội, ngoại vun vén, bảo ban. Nhà khổ, sự học của ba mẹ cũng chỉ tới biết đọc, biết viết. Nguồn sống của gia đình là việc ruộng đồng bến bãi, cày sâu cuốc bẫm. Lam lũ là vậy, nhưng việc sinh nở sòn sòn cứ 3 năm 2 đứa. Ba mẹ làm lụng cả ngày, con cái sinh ra từ lúc còn đỏ hỏn cho đến khi chập chững đi đứng, nói năng, chạy nhảy… phần lớn là nhờ vào công sức của bà nội, ngoại. Cháu đói bà sú cơm, khát sữa bà cho bú mớm; và nhớ nhất là vần hát ru cho chúng tôi say giấc những trưa hè… Khi đã lớn khôn, tất cả tình cảm ông bà nội, ngoại như một sức mạnh thẩm thấu và tiềm ẩn, in dấu trong đáy mắt tuổi thơ tôi không thể phai nhòa. Tình cảm đó hình như đã ăn sâu trong đường gân thớ thịt. Có phải vì thế mà cứ mỗi dịp, chuẩn bị đưa các con về quê thăm nội ngoại, lòng dâng trào bao cảm xúc nôn nao.
Hiện nay ba mẹ tôi đã ngoài 80 tuổi. Mỗi dịp con cháu về thăm, ông bà thường nhắc bảo: “Già rồi, mong các con về không phải chờ để được ăn món ngon vật lạ; cái chính là được thấy, được nghe, biết con cháu mạnh giỏi, học hành tấn tới, lấy đó mà vui với họ hàng, làng xóm. Sợ lắm, nhà con cháu đề huề nhưng bất phước, về già lại lâm vào cảnh cô đơn”.
MẠNH MINH TÂM