Chủ Nhật, 24/11/2024 18:07 CH
Đầu tư chiều sâu cho giáo dục miền núi:
Chiến lược giảm nghèo, nâng cao dân trí
Thứ Sáu, 26/09/2014 07:50 SA

Nhiều ngôi trường ở các xã miền núi được đầu tư xây dựng khang trang - Ảnh: K.CHI

Ngoài tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, những năm gần đây, Phú Yên đặc biệt quan tâm đến phát triển hệ thống giáo dục, đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là một trong những giải pháp mang tính chiến lược, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững, nâng cao trình độ dân trí ở khu vực này.

 

CHẤT LƯỢNG ĐƯỢC NÂNG CAO

 

Là xã vùng cao, vùng xa của huyện Ðồng Xuân, Phú Mỡ có 100% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số Chăm và Ba Na. Những năm trước đây, mỗi khi đến ngày khai trường, cả lãnh đạo xã và thầy, cô giáo ở đây đều sợ học sinh không đến trường vì “bận” theo cha mẹ lên nương rẫy. Nhưng ngày khai giảng năm học mới 2014-2015 vừa qua, ai nấy đều phấn khởi khi tất cả các em trong độ tuổi đi học đều đến trường. Ông Trình Ngọc Vinh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Mỡ, cho biết, trường có 6 phân trường; điểm xa nhất ở tận thôn Phú Hải, giáp ranh hai tỉnh Bình Ðịnh và Gia Lai. Thế nhưng, từ năm học 2011-2012 đến nay, Trường tiểu học Phú Mỡ không có tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng. Năm nay, trường đón 68/68 học sinh trong độ tuổi vào lớp 1. Phần lớn các cặp vợ chồng ở xã đều thực hiện kế hoạch hóa gia đình để phát triển kinh tế và có điều kiện cho con ăn học. Ðiều này được minh chứng qua số lượng học sinh tiểu học của trường đến lớp hàng năm đều đạt 100%, nhưng tổng số học sinh thì giảm. Cụ thể, năm học 2011-2012, số học sinh toàn trường từ lớp 1 đến lớp 5 là 361 em, năm học 2012-2013 giảm còn 333 em, năm học 2013-2014 còn 323 em và năm học mới này, trường chỉ có 309 học sinh.

 

Trong khi đó, theo Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Ngô Minh Hòa, những năm trước, trường không có hoặc có rất ít học sinh thi đậu vào các trường đại học và cao đẳng (ÐH, CÐ), tỉ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THPT cũng chưa cao. Giờ đây, tình hình đã khác. Số học sinh của trường thi đậu vào các trường ÐH, CÐ chiếm gần 50%, số còn lại theo học các lớp trung cấp, dự bị hoặc cử tuyển. Từ năm 2009 đến năm 2014, số lượng học sinh khối 12 của trường sau khi tốt nghiệp THPT được tiếp tục cử đi học theo diện cử tuyển là 63 trong số 322 học sinh tốt nghiệp ra trường. Tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THPT hàng năm đạt khá cao, bình quân trong 5 năm qua là hơn 97%. Riêng năm học 2012-2013, tỉ lệ học sinh đậu tốt nghiệp đạt 100% và năm học 2013-2014 đạt 98,6%. Phần lớn học sinh của Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh sau khi tốt nghiệp, học lên và trở thành cán bộ ở nhiều ngành nghề như giáo viên, y sĩ, bác sĩ, kỹ sư, công an, quân đội; số còn lại bổ sung vào nguồn nhân lực cho các xã, huyện...

 

TIẾP TỤC ĐẦU TƯ CHIỀU SÂU

 

Trong những năm gần đây, công tác giáo dục ở vùng cao, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh có bước phát triển. Hệ thống giáo dục từ mầm non đến THPT được củng cố và phát triển, đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc. Cơ sở vật chất, nguồn nhân lực các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú được chú trọng phát triển từ tỉnh tới huyện. Hệ thống giáo dục quốc dân phát triển đầy đủ các loại hình, mạng lưới trường lớp phủ kín trong toàn tỉnh, không còn điểm trắng về giáo dục và tất cả các trường học đều có chi bộ đảng. Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2008-2012 của tỉnh đã cơ bản giải quyết những khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất của các trường học và nơi ở cho giáo viên vùng khó khăn, góp phần thúc đẩy sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh ngày càng phát triển. Phó chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa Lê Thanh Lai cho biết: Địa phương có tỉ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khá lớn (khoảng 37%) nhưng huyện đã thực hiện đúng, đủ và kịp thời các chế độ, chính sách đối với giáo viên, nhân viên, học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định.

 

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Quang Nhất, sự chuyển biến trong giáo dục và đào tạo ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Phú Yên thời gian qua là đáng khích lệ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác phát triển giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, tỉ lệ mù chữ, tái mù chữ trong đồng bào dân tộc thiểu số còn khá cao. Sắp tới, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư mở thêm trường, lớp đào tạo giáo viên, nhất là đội ngũ giáo viên người dân tộc thiểu số (hiện tại, tỉ lệ giáo viên người dân tộc thiểu số ở bậc THCS mới chỉ chiếm 6%, bậc THPT chiếm 2,6% trên tổng số giáo viên cùng cấp). Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ lồng ghép nhiều nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương, đóng góp của nhân dân để tăng cường hơn nữa cơ sở vật chất, thiết bị dạy học trong các trường học vùng dân tộc thiểu số, miền núi; đào tạo đội ngũ giáo viên tại chỗ; tiếp tục xây dựng chế độ đãi ngộ và sử dụng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, giúp họ yên tâm gắn bó với nghề, với sự nghiệp “trồng người” tại chính quê hương mình. Tỉnh cũng có cơ chế, chính sách khuyến khích con em các dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp đại học, trung học chuyên nghiệp, học nghề trở về địa phương công tác, tạo nguồn nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.

 

KIM CHI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek