Phát biểu tại buổi họp báo về mất cân bằng giới tính khi sinh sáng 23/9, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, trong mấy thập kỷ tỉ lệ nữ chiếm khoảng 53-52%, nam giới 47-48% và được duy trì khá ổn định. Nhưng trong 14 năm qua, tỉ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh tăng dần từ 105, 106 đến 120 bé trai trên 100 bé gái. Nếu vấn đề này không được giải quyết hiệu quả thì chỉ trong thời gian ngắn Việt Nam sẽ dư thừa 2,3-4,3 triệu thanh niên nam.
“Có lúc chúng tôi giật mình khi đi kiểm tra một số xã ở Đồng bằng sông Hồng, có xã lên đến gần 150 trẻ trai/100 trẻ gái lúc ra đời. Mất cân bằng giới tính khi sinh lộ quá rõ. Hậu quả này chúng ta sẽ giải quyết như thế nào, các làng xã sẽ thiếu phụ nữ, cô dâu, rất nhiều điều bất lợi. Việt Nam chưa phải nước giàu như Hàn Quốc để lấy cô dâu ở nước ngoài”, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến nói.
Cũng theo ông, sự phát triển của khoa học kỹ thuật có thể giúp biết giới tính thai nhi. Nhưng đây không phải là lý do chính dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới. Bằng chứng là khoa học kỹ thuật ở miền Nam phát triển không kém miền Bắc, thậm chí một số mặt còn vượt, nhưng mất cân bằng giới tính khi sinh chủ yếu ở miền Bắc, đặc biệt là ở đồng bằng sông Hồng. Người miền Nam quan niệm con nào cũng là con, miễn khỏe mạnh, người miền bắc lại thích con trai.
Thứ trưởng Tiến cho rằng những biện pháp nhằm giảm sự gia tăng tỉ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh triển khai thời gian vừa qua đáng được ghi nhận, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa thật tốt. Biện pháp can thiệp mới chú trọng về kỹ thuật, cấm siêu âm chẩn đoán giới tính, cấm phá thai lựa chọn giới tính... và tính khả thi không cao. Cho đến nay cơ quan chức năng mới xử lý được 2 trường hợp ở Hưng Yên và 2 ở Kiên Giang vì cung cấp dịch vụ siêu âm chẩn đoán giới tính. Vì vậy, theo ông biện pháp căn cơ vẫn là thay đổi tư tưởng.
Chung quan điểm này, ông Arthur Erken, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, cho rằng mất cân bằng giới tính khi sinh đang là mối lo ngại tại một số quốc gia châu Á, nơi có nhiều phụ nữ và trẻ em gái được báo cáo “mất tích”.
Theo ông Arthur Erken, thách thức của Việt Nam là làm sao thực hiện nghiêm việc cấm lựa chọn giới tính khi sinh và phá thai vì lựa chọn giới tính. Việc giám sát các phòng khám, bệnh viện hiệu quả chưa thực sự như mong muốn. Dù cán bộ y tế không được phép tiết lộ giới tính khi sinh, phá thai lựa chọn giới tính nhưng thực tế điều này chưa thực hiện được một cách đầy đủ.
Nhân ngày Quốc tế trẻ em gái 11/10, Bộ Y tế khởi động chiến dịch truyền thông chung tay giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh. Chiến dịch gồm một chuỗi sự kiện như hội thảo, tọa đàm, diễu hành tại Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh.
Theo VNE