Được nhà nước cho vay vốn ưu đãi, những hộ đặc biệt khó khăn nơi đây đã phần nào vượt qua nghèo khó, nhiều hộ bắt đầu có của ăn của để.
Từ Cao Bằng vào đây lập nghiệp hơn 10 năm trời, cuộc sống của gia đình anh Lò Văn Thanh gặp muôn vàn khó khăn. Sau khi được vay vốn của NHCSXH, nhờ biết cách làm ăn, đời sống của gia đình anh được cải thiện rất nhiều. Anh Thanh kể: “Trước đây chưa có vốn, tôi thường xuyên phải mượn bò của gia đình bên vợ để làm đất 4 sào ruộng. Được vay 4 triệu đồng, tôi mua ngay một con bò cái vừa để cày kéo, vừa cho nó sinh sản làm vốn lâu dài”. Con bò mà anh mua hồi năm ngoái đã đẻ ra nghé. Có thêm ít vốn, anh Thanh nuôi lợn nái, cung cấp giống cho bà con trong thôn.
Niềm vui không chỉ đến với gia đình anh Lò Văn Thanh. Thông qua tổ chức Hội Nông dân, gia đình anh Đặng Trọng Tú được vay 6 triệu đồng mua bò lai sind, cải tạo ao nuôi cá, cải tạo 1.500m2 vườn nhà, 3000m2 vườn đồi trồng cỏ voi và trồng cây cao su. Từ ngày có vốn, anh không phải đi làm mướn như trước mà chuyên tâm để làm cho đồng vốn sinh sôi nảy nở ngay trên mảnh đất gia đình mình. Chỉ cho tôi xem con bò lai sind trong chuồng, cá quẫy dưới ao và vườn cây cao su tốt tươi, anh vui vẻ cho biết hai năm qua, gia đình anh đã có tổng thu nhập bước đầu mỗi năm 10 triệu đồng.
Ngoài anh Thanh, anh Tú, chúng tôi còn gặp một số hộ nghèo là người dân tộc Thái di cư vào EaLy được vay vốn qua NHCSXH. Trong mắt họ đã ánh lên niềm vui.
ĐỂ ĐỒNG VỐN ĐẾN ĐÚNG ĐỐI TƯỢNG
Chúng tôi theo chân một Tổ giải ngân của NHCSXH gồm 3 cán bộ tín dụng còn rất trẻ để xem họ làm việc. Tại xã EaLy do được thông báo trước và có sự chuẩn bị chu đáo của tổ chức Hội Nông dân nên trong vòng 1 giờ đồng hồ, 20 hộ nghèo được vay vốn đợt này đã nhận đủ số tiền và ra về trong niềm vui.
Để đồng vốn ưu đãi của Đảng, Nhà nước đến đúng đối tượng cần vốn, NHCSXH huyện Sông Hinh đã thông qua 4 tổ chức đứng ra ký ủy thác vay vốn là Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Đoàn thanh niên. Hiện nay trên địa bàn huyện đã thiết lập được 287 tổ, nhóm vay vốn, trong đó có trên 30 tổ, nhóm thông qua các tổ chức hội, đoàn thể. Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng của các tổ chức nên thời gian qua đã có 1.105 hộ có quan hệ tín dụng với ngân hàng. Tổng dư nợ đến nay là 28,5 tỷ đồng, riêng dư nợ cho vay hộ nghèo là 26,5 tỷ đồng. Qua kiểm tra khảo sát, 80% số hộ sử dụng vốn để chăn nuôi bò; đa số hộ được vay vốn đều phát huy hiệu quả đồng vốn. Ông Nguyễn Đình Pháp, Trưởng Phòng giao dịch NHCSXH huyện Sông Hinh cho biết: Năm 2007, Phòng giao dịch NHCSXH sẽ phối hợp cùng các tổ chức chính trị xã hội đi khảo sát từng địa phương để đầu tư theo mô hình nhóm hộ, xác định thế mạnh từng xã để ủy thác cho vay.
Theo kết quả điều tra, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới ở huyện Sông Hinh chiếm gần 30%, gấp đôi mức bình quân chung của tỉnh. Những hộ nghèo cần được NHCSXH quan tâm hỗ trợ vốn, giúp họ xóa nghèo bền vững. Song để đồng vốn đến với người nghèo có hiệu quả, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, bên cạnh tăng cường việc kiểm tra sử dụng vốn bảo đảm đúng mục đích, huyện cần có chương trình hướng dẫn họ biết cách làm ăn thì đồng vốn đó mới phát huy tác dụng trong công cuộc xoá đói giảm nghèo.
ANH THƯ