Trong 3 năm gần đây, tình hình kinh tế - xã hội của huyện Đồng Xuân tiếp tục tăng trưởng khá, nhất là xây dựng kết cấu hạ tầng, giao thông, thủy lợi và một số chương trình dự án lớn về phát triển kinh tế miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, các cây cầu tạm bợ đã được đầu tư xây dựng, giúp người dân vượt lũ.
Đồng Xuân là vùng căn cứ địa cách mạng của tỉnh trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Tại mảnh đất này, vào ngày 5/10/1930, chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở tỉnh Phú Yên do đồng chí Phan Lưu Thanh làm Bí thư đã được thành lập.
Sau ngày đất nước được giải phóng, Đảng bộ và nhân dân huyện Đồng Xuân tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết một lòng, ra sức phấn đấu đạt nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, bộ mặt nông thôn từng bước được đổi mới. Bí thư Huyện ủy Đồng Xuân Phan Đình Phùng cho biết: Huyện đang tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, chỉnh trang và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị thị trấn La Hai; triển khai thi công các công trình thoát lũ, tránh trú bão.
Cầu Trà Bương trên tuyến đường từ thôn Phước Lộc (Xuân Quang 3) đến thôn Phú Xuân A (Xuân Phước), nối vào tuyến ĐT647 (Xuân Phước đi Phú Mỡ). Sau một thời gian thi công, đầu năm 2013, cầu được đưa vào sử dụng.
Trước kia, khi mùa mưa đến, người dân ở các xã Xuân Quang 3, Xuân Phước, Xuân Quang 1 và Phú Mỡ đi lại bằng đò qua sông, rất nguy hiểm. Ông Nguyễn Cư, người lái đò ở thôn Thạnh Đức (xã Xuân Quang 3), kể: Từ đời cha đến đời tôi đều làm công việc lái đò đưa khách sang sông. Vào mùa mưa, có thời điểm hồ chứa nước Phú Xuân xả lũ, nước sông dâng cao và chảy xiết. Biết là nguy hiểm, nhưng tôi vẫn cố gắng lái đò đưa học sinh và bà con qua sông. Bây giờ cầu đã xây xong, bà con trong thôn không còn cảnh đò ngang nữa, ai nấy đều rất vui mừng. Ông Lâm Văn Minh, Chủtịch UBND xã Xuân Quang 3, phấn khởi cho biết: Việc đưa cầu Trà Bương vào sử dụng đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại, giao thương hàng hóa của người dân trong vùng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, nhất là con em trong xã không còn cảnh đi lại đò ngang cách trở.
Cầu Sông Cô (nối liền thị trấn La Hai và xã Xuân Sơn Bắc) dài gần 49m, rộng 7,5m, tải trọng thiết kế 13 tấn; hai đường dẫn đầu cầu dài hơn 350m với tổng mức đầu tư cho công trình gần 9 tỉ đồng. Cầu Sông Cô hoàn thành giúp giải quyết tình trạng ách tắc giao thông trên ĐT642 mỗi khi mưa lụt. Trước đây, chỉ cần một trận mưa nhỏ nước từ thượng nguồn đổ về là đoạn đường qua sông Cô bị chìm trong nước, hàng trăm hộ dân ở xã Xuân Sơn Bắc thường chịu cảnh nước lũ cô lập nhiều ngày. Hiện nay, cầu mới cao hơn cầu cũ 2m nên tình trạng ngập nước, gây chia cắt giao thông trên ĐT642 đã được giải quyết.
Cầu La Hai (bắc qua sông Kỳ Lộ, cửa ngõ ra vào huyện Đồng Xuân), nằm trên tuyến ĐT641 thường xuyên bị ngập lụt vào mùa mưa. Theo thống kê của Đội quản lý đường bộ ĐT641, mỗi ngày có hàng ngàn lượt người lưu thông trên tuyến đường này và có ít nhất hơn 1.000 người qua lại mố cầu La Hai. Ông Lưu Minh Tâm, Đội trưởng Đội đường bộ 641, 644 (Công ty TNHH một thành viên Quản lý và xây dựng đường bộ Phú Yên), cho biết: “Cầu La Hai nằm trên tuyến đường ĐT641, mùa mưa thường xuyên bị ngập nước, nhân dân đi lại khó khăn, phải vượt qua đường sắt. Tình trạng người dân đi lại kẹt lũ thường xuyên xảy ra”.
Đầu tháng 7 vừa qua, UBND huyện Đồng Xuân khởi công dự án Tuyến thoát lũ, cứu nạn vượt sông Kỳ Lộ. Dự án này triển khai trên tuyến ĐT641 với tổng chiều dài toàn tuyến hơn 1.047m, bề rộng mặt đường 15m, bề rộng nền đường 7m, tải trọng thiết kế trục 10 tấn, chiều dài đường dẫn hơn 792m, cầu dài hơn 254m. Ông Võ Cao Phi, Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, cho hay: Dự án Tuyến thoát lũ, cứu nạn, vượt sông Kỳ Lộ có tầm quan trọng đặc biệt đối với huyện Đồng Xuân. Sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng giảm ách tắc giao thông, hạn chế việc chia cắt cục bộ các khu vực, đảm bảo vận chuyển hàng hóa nông sản, việc thoát lũ, cứu nạn, góp phần giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai.
MẠNH HOÀI NAM