Dự phòng lây truyền HIV là một chương trình mang tính nhân văn. Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sớm sẽ giảm đi nỗi đau và gánh nặng của những gia đình có trẻ bị nhiễm HIV. Từ nhiều năm nay, bên cạnh ngành Y tế, các cấp hội phụ nữ đẩy mạnh các hoạt động truyền thông góp phần phòng chống lây truyền HIV từ mẹ sang con trên địa bàn tỉnh.
Thực tế cho thấy, nhiều phụ nữ mang thai, nhất là phụ nữ ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa ít tiếp cận được các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Do thiếu thông tin, kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS nói chung và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con nói riêng nên chị em không chủ động tìm kiếm dịch vụ. Điều này cản trở việc cứu nhiều trẻ bị nhiễm HIV từ mẹ. Theo số liệu giám sát trọng điểm của Bộ Y tế, tỉ lệ nhiễm HIV ở phụ nữ mang thai của Việt Nam là 0,4%. Mỗi năm cả nước có khoảng 6.000 trẻ sinh ra có phơi nhiễm với HIV do lây truyền từ mẹ. Nếu được điều trị dự phòng đầy đủ, tỉ lệ trẻ nhiễm HIV chỉ còn khoảng 5% thay vì 36% nếu không được can thiệp dự phòng.
Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong những chương trình ưu tiên của Chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030. Từ năm 2008, Phú Yên thực hiện điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Bên cạnh việc mở rộng tiếp cận các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con thì hoạt động truyền thông cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai, phụ nữ mang thai nhiễm HIV nói riêng và người dân nói chung về dự phòng lây truyền HIV được ngành Y tế và các cấp, các ngành hết sức chú trọng.
Với trên 50% dân số, phụ nữ có ảnh hưởng rất lớn đến việc phòng chống, ngăn chặn sự gia tăng đại dịch HIV. Trưởng ban Gia đình - Xã hội (Hội LHPN tỉnh) Nguyễn Thị Thanh Hà cho biết: Xác định được tầm quan trọng đó, Hội LHPN tỉnh đã tích cực triển khai nhiều hoạt động phòng chống HIV/AIDS trong tất cả các cấp hội. Với phương châm “phòng ngừa là chính”, hàng năm, Tỉnh hội đều có công văn chỉ đạo hội phụ nữ các huyện, thị, thành phố triển khai các hoạt động truyền thông trong hội viên để góp phần hạn chế tốc độ lây truyền HIV/AIDS trong cộng đồng. Trong tháng 7 vừa qua, Tỉnh hội tổ chức truyền thông nhóm tại cộng đồng cho gần 400 hội viên, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và đối tượng có nguy cơ lây nhiễm HIV cao tại các xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa), An Hiệp (huyện Tuy An), Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân) và phường 2 (TP Tuy Hòa) về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS; cách phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS cho bản thân, gia đình và cộng đồng; dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; chăm sóc, hỗ trợ cho bà mẹ nhiễm HIV và con của họ sau sinh... Ngoài ra, Hội LHPN các huyện, thị, thành phố và các xã, phường, thị trấn còn tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, tọa đàm, giao lưu, thi hái hoa dân chủ… về phòng chống HIV trong “Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS” và “Ngày thế giới phòng chống HIV” tại địa phương… Thông qua đó, nhận thức của phụ nữ, nhất là phụ nữ nông thôn, miền núi đã từng bước được nâng lên. Tình trạng thờ ơ với đại dịch AIDS hay sợ hãi, kỳ thị, phân biệt cũng dần được khắc phục.
Chị Lê Thị Thanh Thảo ở xã Hòa Mỹ Đông (huyện Tây Hòa) thổ lộ: “Trước đây, tôi cứ nghĩ chỉ có những người ăn chơi sa đọa mới “dính” HIV, nhưng nay tìm hiểu thông tin trên báo, đài cũng như qua sự tuyên truyền của hội phụ nữ, tôi biết rằng HIV không “chừa” một ai. Tôi nghĩ chị em trong độ tuổi sinh sản, nhất là chị em đang mang thai nên đi xét nghiệm HIV để sinh ra những đứa con khỏe mạnh”. Cũng có chung suy nghĩ như chị Thảo, chị Lê Thị Phương ở phường 9 (TP Tuy Hòa) chia sẻ: “Tôi được biết, trong quá trình mang thai, nếu người mẹ nhiễm HIV không tham gia vào gói dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con thì tỉ lệ lây truyền HIV cho thai nhi từ 25 đến 40%. Trường hợp tham gia gói dịch vụ thì tỉ lệ này giảm còn khoảng 5%. Vậy nên phụ nữ cần phải tham gia xét nghiệm HIV ở các cơ sở y tế, đặc biệt là các cơ sở sản khoa để được tư vấn và giới thiệu tham gia chương trình”.
Tuy nhiên, không phải chị em nào cũng nhận thức tốt như chị Thảo, chị Phương vì hiện nay còn rất nhiều phụ nữ mang thai e ngại xét nghiệm HIV. Sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS cũng là rào cản khiến phụ nữ mang thai nhiễm HIV khó tiếp cận các dịch vụ. Nên khi chị em phát hiện bản thân mình bị nhiễm HIV thì đã ở giai đoạn muộn, ảnh hưởng đến hiệu quả của can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hà, để hướng tới loại trừ trẻ nhiễm HIV từ mẹ, một trong những mục tiêu chủ yếu của Chiến lược quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030, phụ nữ nhiễm HIV và phụ nữ mang thai nhiễm HIV cần phải biết tình trạng nhiễm HIV của mình bằng cách tiếp cận sớm với tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện. Vì vậy, rất cần sự nỗ lực tham gia của cộng đồng vào các hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, nhằm làm giảm đến mức thấp nhất tỉ lệ trẻ em bị nhiễm HIV do mẹ truyền sang.
LAN KHANH