Thứ Ba, 26/11/2024 16:27 CH
Chuyện anh đầu bếp ở khách sạn 4 sao
Thứ Sáu, 29/08/2014 13:00 CH

Đầu bếp Nguyễn Văn Bông say mê vị thức ăn của người miền Trung - Ảnh: T.HÀ

Con đường đến với nghề, gắn bó với nghề và khẳng định vị trí bếp trưởng của đầu bếp Nguyễn Văn Bông (sinh năm 1979, ở phường 5, TP Tuy Hòa) là đi, trải nghiệm, không ngừng học hỏi. Chính những nỗ lực đó đã giúp anh từng bước khẳng định vị trí của mình trong làng ẩm thực Phú Yên. Hiện anh là bếp trưởng của khách sạn 4 sao KaYa.

 

KHI CON TRAI LÀM ĐẦU BẾP

 

Gia đình đông con, cuộc sống khó khăn nên từ năm học lớp 7, Bông đã bỏ học giữa chừng. Một lần dự đám cưới người thân, thấy việc làm bếp cũng thú vị nên anh vào phụ chú thợ nấu một tay. Thấy Bông siêng năng, thợ nấu Minh Chiến (TP Tuy Hòa) để ý rồi nhận anh làm “đệ tử”. Hai năm làm việc với đầu bếp Minh Chiến là quãng thời gian Bông được truyền dạy những điều cơ bản nhất, cũng như tích lũy bí quyết cho nghề nghiệp sau này.

 

Anh Bông kể: “Ngày trước, khi có đám tiệc, các gia đình chủ yếu mời thợ nấu và đãi tại nhà chứ chưa có nhiều đám cưới tổ chức ở nhà hàng. Thợ nấu Minh Chiến bấy giờ nổi tiếng lắm nên có nhiều người mời. Tôi theo thầy làm nghề khắp nơi từ Tuy An, Sông Cầu đến Sơn Hòa, Sông Hinh, rồi ra tận Bình Định… Sau, tôi còn có dịp làm việc chung với cha của thầy Minh Chiến, một người hướng dẫn tôi làm rất nhiều món ăn Tàu”.

 

Gắn bó với thầy 2 năm, Bông được một chủ quán ăn ở TP Tuy Hòa mời sang làm bếp chính. Đứng bếp khi mới 19 tuổi đầu, Bông bị bạn bè trêu chọc bởi họ không xem trọng công việc này. Bản thân anh khi muốn học hỏi thêm các đầu bếp ở nhà hàng lớn thì chẳng ai nhiệt tình chỉ dạy cho.

 

Mặc cảm vì “ít chữ”, Bông quyết tâm đi học bổ túc văn hóa. Sau 4 năm, anh tốt nghiệp THPT và thi đậu vào Trường trung học Nghiệp vụ du lịch Vũng Tàu (nay là Trường cao đẳng Nghề du lịch Vũng Tàu). Chương trình đào tạo của trường cung cấp cho Bông kiến thức căn bản về các món ăn Pháp, chuyên sâu các món Nga. Bản thân anh có nền tảng các món ăn Trung Quốc cộng với môi trường làm việc sôi động đã góp phần giúp Bông nâng tay nghề rõ rệt. Ra trường, Nguyễn Văn Bông “đầu quân” cho nhiều nhà hàng ở TP Hồ Chí Minh, Nha Trang, Bình Định để vừa mưu sinh, vừa học hỏi thêm.

 

Theo anh Bông, bếp núc là công việc đòi hỏi sự linh hoạt: miệng nói, tay làm, mắt nhìn, tai nghe, mũi ngửi. Còn đầu bếp phải đảm bảo cho quá trình phục vụ thực khách diễn ra suôn sẻ, phải xem khách ăn, nghe khách góp ý để điều chỉnh. Lỡ họ chê thì phải tìm cách khắc phục, để mất tinh thần là không thể trụ được với công việc. Chung quy lại, đứng ở vị trí bếp trưởng cần có một cái đầu lạnh để bình tĩnh xử lý tình huống xảy ra. Chia sẻ về công việc của mình, đầu bếp Bông cho biết: “Xuất phát từ một người phụ bếp, tôi phải lăng xăng làm tất cả mọi việc rồi từ từ hoàn thiện mình. Nhưng tôi thích công việc của mình. Sáng tạo ra món ăn, làm cho nó đẹp mắt, dậy hương là niềm vui của tôi”.

 

Là đầu bếp, việc đương nhiên là phải hiểu khẩu vị du khách của từng vùng miền, du khách các nước. Để làm được điều đó, chỉ sử dụng những kiến thức học ở trường là chưa đủ mà cần sự trải nghiệm. Bản thân Bông phải đọc rất nhiều sách, nhất là sách nấu ăn. Ngoài ra, anh Bông còn đọc nhiều sách về văn hóa ẩm thực của các vùng miền, từ đó lấy cảm hứng sáng tạo ra các món ăn. Anh Bông chia sẻ: “Tôi thích đọc sách của nhà thơ Tản Đà, của nhà văn Vũ Bằng. Họ là nghệ sĩ đồng thời cũng là tay cự phách trong làng ẩm thực”.

 

Bông đã từng nấu bếp cho những vị chính khách như thủ tướng Phan Văn Khải, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng… Khi nấu cho những vị khách đặc biệt này anh Bông cảm thấy vinh dự nhưng cũng có phần áp lực.

 

KHẲNG ĐỊNH BẰNG CÁC MÓN ĂN TRUYỀN THỐNG

 

Sau 2 năm rưỡi học tại Trường trung học Nghiệp vụ du lịch Vũng Tàu, và nửa năm thử thách công việc, Bông lấy chứng chỉ VCTB (Vietnam Tourism Certification Board - chứng chỉ đánh giá, kiểm tra năng lực, kỹ năng làm việc nghiệp vụ du lịch - khách sạn) của Hội đồng cấp chứng chỉ du lịch Việt Nam. Có chứng chỉ này, anh Bông có nhiều cơ hội để làm việc ở các nước trong khối ASEAN.

 

Anh Bông rất tự hào về các món ăn của miền Trung. Theo anh món ăn miền Bắc thì không đậm vị; món ăn miền Nam thì nguyên liệu quá phong phú trong một món ăn, nhưng hơi ngọt. Chỉ có miền Trung là đậm đà, món nào ra món ấy, ăn vào lòng cứ lắng lại, nhớ mãi. Và trong tương lai, có lẽ, vị thức ăn của người miền Trung sẽ được lấy làm chuẩn mực chứ không phải miền Bắc hay miền Nam. Hiện các nhà hàng lớn ở TP Hồ Chí Minh có rất nhiều đầu bếp người miền Trung đang “đứng chảo”.

 

Say mê ẩm thực quê nhà, năm 2013, anh tham dự cuộc thi Chiếc thìa vàng với chủ yếu các món ăn của Phú Yên: Gỏi da cá, bún sứa, bò nướng một nắng, mắt cá ngừ đại dương, dông nướng lá mãng cầu, gỏi bao tử cá ngừ đại dương, bóng cá lạc nhồi rong biển…Món ăn của anh được Ban giám khảo đánh giá cao. Ở cuộc thi này, anh đạt giải nhất vòng loại khu vực Nam Trung Bộ, đứng thứ 2 vòng chung kết toàn miền Nam và lọt vào tốp 5 vòng chung kết toàn quốc. Anh tâm sự: “Xã hội bây giờ vẫn chưa đánh giá cao nghề đầu bếp. Nhưng với tôi và nhiều anh chị đầu bếp đã từng khổ công từng bước để đến với vị trí này, chúng tôi rất trân trọng nghề nghiệp mình đang làm. Đầu bếp cũng là một nghề. Và người đầu bếp sáng tạo ra những món ăn ngon cũng chính là đang sáng tạo cuộc sống”.

 

THÁI HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek