Hàng năm, lượng sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng khá đông nhưng với nhiều người, tìm việc làm trở thành vấn đề nan giải. Không thụ động chờ đợi công việc đúng chuyên ngành, nhiều bạn trẻ linh động tìm việc làm, thậm chí trái ngành, và tự khẳng định mình.
KHÓ KHĂN TÌM VIỆC
Võ Duy Cường (thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa) tốt nghiệp ngành Xã hội học của Trường đại học Tôn Đức Thắng (TP Hồ Chí Minh) hơn 2 năm nhưng chưa có việc làm. Gia đình Cường thuộc loại khá giả nên vẫn thường xuyên gửi tiền để Cường bám trụ, tìm một công việc tại TP Hồ Chí Minh. Sau hơn 1 năm nộp đơn, phỏng vấn nhiều nơi, cuối cùng Cường chấp nhận làm nhân viên bán hàng cho một đại lý bán xe máy. Cường chia sẻ: “Lúc mới ra trường, tôi cũng như mọi người đều hứng khởi tìm việc với hy vọng có thể bám trụ ở thành phố, kiếm thật nhiều tiền và có tương lai tươi sáng. Nhưng sau 2 năm, không chịu nổi cảnh tìm việc khắc nghiệt, nơi mà tấm bằng đại học không phải là “chiếc phao” bảo đảm việc làm đúng ngành, chúng tôi đành phải tìm việc khác miễn là có thu nhập. Tôi có vài người bạn, tốt nghiệp xong phải giấu bằng đi để xin làm công nhân”.
Phan Thị Duy (huyện Tây Hòa) tốt nghiệp ngành Kế toán Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa đã 2 năm nay nhưng vẫn chưa có việc làm. Sau khi lấy chồng sinh con, Duy được một công ty may ở thành phố nhận vào làm thủ kho. Mất 7 ngày tiếp cận việc không lương, 2 tháng tiếp theo được trả 85% lương cơ bản, sau đó mới nhận lương đủ nhưng Duy vẫn chấp nhận.
Chị Nguyễn Thị Lệ Huyền, kế toán Công ty TNHH Tân Hoàng Long (TP Tuy Hòa) cho biết, vừa rồi công ty đăng thông tin tuyển nhân viên kỹ thuật. Thông báo vừa dán lên đã có hàng chục người tới nộp đơn dù lương thử việc chỉ 2 triệu đồng/tháng.
TỰ KHẲNG ĐỊNH MÌNH
Kinh tế khó khăn, việc ít, người nhiều, doanh nghiệp tuyển dụng chịu nhiều áp lực nên trả lương cho người lao động đến mức thấp nhất có thể. Trong bối cảnh chung đó, trí thức trẻ không nhất nhất chọn cách đi theo lối thông thường mà nhiều người đã dám nghĩ khác, làm khác để khẳng định mình.
Điển hình như Nguyễn Văn Nghị (xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa), tốt nghiệp ngành Địa lý - Môi trường, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh). Ra trường, Nghị ở lại thành phố làm một thời gian nhưng không hiệu quả nên quyết định về quê, mở xưởng sản xuất than củi bằng trấu. Đến nay, Nghị đã thành lập 3 cơ sở cung cấp than củi trấu cho nhiều nhà máy, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, Nghị còn cung cấp máy móc cho các chủ cơ sở có nhu cầu, đồng thời mở rộng việc nuôi heo rừng. Ở tuổi 30, Nghị đã có trong tay tiền tỉ.
Sinh năm 1972, Đào Hiền Nhân có 2 bằng đại học (Trường đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh và Trường đại học Thương mại Hà Nội), có một việc làm tương đối ổn định ở TP Hồ Chí Minh nhưng anh vẫn quyết định về quê làm nông. Với vốn kiến thức tích lũy được cộng với việc tìm tòi, sáng tạo trong quá trình lao động, Nhân không những gầy dựng lại vườn tiêu của gia đình mà còn sở hữu trong tay số vốn kha khá. Anh chia sẻ: “Gia đình tôi có 7 anh em. Chúng tôi mỗi người một cách tìm đường đi riêng cho mình. Tấm bằng đại học giúp chúng tôi vào đời thuận lợi hơn nhưng đó không phải là tất cả”.
Sẵn sàng rẽ ngang, không theo ngành Công nghệ Hóa khi thấy không phù hợp, Nguyễn Phi Hoàng (xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa) quyết định kinh doanh và trở thành Giám đốc Công ty TNHH Năng lượng Vitosa (Phú Yên), Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu thiết bị năng lượng Trường Thành (TP Hồ Chí Minh) và là chủ một cơ sở kinh doanh tại tỉnh Bình Dương. Anh Hoàng chia sẻ: “Được học đại học với tôi là một nỗ lực rất lớn. Tuy nhiên, tôi khám phá ra mình mê kinh doanh hơn và cũng rất có duyên với lĩnh vực này nên tôi đã chọn con đường mà tôi nghĩ là phù hợp”.
Đó chỉ là một trong số những người dám tách ra khỏi đám đông, dựa vào sở trường của mình, kiên trì đi theo con đường mà mình đã chọn để hành động và gặt hái thành công. Trên con đường đó, không phải không có những khó khăn, không phải không có những lúc nản lòng nhưng họ có niềm tin và chính niềm tin là động lực để họ vượt khó. Nguyễn Văn Nghị chia sẻ: “Ngoài chuyên môn, ngoại ngữ, tin học, kỹ năng mềm…, sinh viên mới ra trường cần linh hoạt trong việc lựa chọn công việc. Tôi nghĩ, không nhất nhất phải đúng chuyên ngành mình học, điều quan trọng là phải phù hợp với năng lực, sở thích. Bằng đại học là quan trọng, nhưng không phải là giấy thông hành duy nhất để họ mở cánh cửa tương lai”.
THÁI HÀ