Đoàn giám sát của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội vừa có chuyến làm việc tại Phú Yên về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND các cấp theo quy định của Luật Tổ chức HĐND và UBND. Kết quả giám sát cho thấy, năng lực điều hành, quản lý của UBND các cấp ngày càng chủ động, linh hoạt; việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân đúng pháp luật.
PHÁT HUY SỨC MẠNH TỔNG HỢP
Theo đánh giá của đoàn giám sát, thực hiện Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, UBND các cấp của Phú Yên đã quán triệt toàn thể cán bộ đảng viên, công chức, viên chức và phổ biến, tuyên truyền đến người dân để cán bộ và nhân dân hiểu rõ những quy định của luật này. Vào đầu mỗi nhiệm kỳ, UBND các cấp từ tỉnh đến xã đều xây dựng, ban hành quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cho các thành viên; công tác chỉ đạo, điều hành của UBND các cấp đã chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả hơn trước. Mọi công việc của UBND các cấp đều được giải quyết đúng nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi, thẩm quyền, trách nhiệm theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật. Việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, phường từ năm 2009 đến nay được tập trung, kịp thời, thông suốt, đảm bảo tính thống nhất khi triển khai ở các cấp; việc sắp xếp, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và huyện được thực hiện đồng bộ, theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Do đó, chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan chuyên môn không còn chồng chéo như trước. Cơ cấu tổ chức và bố trí, sắp xếp các chức danh chuyên môn ở xã, phường, thị trấn được củng cố, kiện toàn, đảm bảo số lượng và từng bước nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác. Hơn 10 năm qua, UBND tỉnh cũng linh hoạt, quyết đoán, tập trung, thống nhất chỉ đạo, điều hành quyết liệt, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Đoàn giám sát còn nhận định, công tác kiểm tra của UBND cấp trên đối với UBND cấp dưới được thực hiện thường xuyên, kịp thời giải quyết những vướng mắc, tồn tại của các cấp, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, Phú Yên còn rất chú trọng, phối hợp chặt chẽ với UBMTTQ và các đoàn thể cùng cấp. Qua đó, chất lượng và hiệu quả điều hành của UBND các cấp được nâng lên; sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị được phát huy góp phần tích cực trong việc củng cố, xây dựng chính quyền trên địa bàn tỉnh.
CẦN SỬA ĐỔI NHỮNG BẤT CẬP
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, UBND các cấp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, tổ chức bộ máy của UBND các cấp được Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 quy định rất chung chung, đồng nhất giữa đô thị, nông thôn, hải đảo; tổ chức cơ quan chuyên môn trực thuộc chưa phù hợp với thực tiễn quản lý, điều hành của UBND ở đô thị và nông thôn; chưa phân biệt rõ mô hình tổ chức UBND và cơ quan chuyên môn ở đô thị và nông thôn. Nhiệm vụ, thẩm quyền của UBND các cấp được luật quy định chung cho cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã); nhiều lĩnh vực quản lý; phương thức hoạt động của UBND được áp dụng cho tất cả các cấp hành chính, không phù hợp với đặc điểm và yêu cầu quản lý của đơn vị hành chính ở đô thị và nông thôn. Ngoài ra, việc phân cấp còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ, giao nhiệm vụ, tăng thẩm quyền cho chính quyền các cấp nhưng chưa chú trọng đến các điều kiện thực hiện của địa phương; chưa có sự phân cấp rõ ràng giữa chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn…
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Ẩn, để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và hoàn thiện Luật Tổ chức HĐND và UBND, tỉnh đã kiến nghị: cần phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của UBND ở từng loại đơn vị hành chính; xác định mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở từng loại đơn vị hành chính phù hợp với đặc điểm đô thị, nông thôn, hải đảo; phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể UBND và cá nhân chủ tịch UBND. UBND tỉnh cũng kiến nghị đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa các cấp chính quyền địa phương theo hướng tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quyết định, tổ chức thực hiện chính sách trong phạm vi được phân cấp; có cơ chế tăng cường thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước cấp trên. Ngoài ra, cần tăng số lượng ủy viên UBND để có sự đại diện của nhiều ngành trong tập thể UBND khi quyết định các vấn đề quan trọng ở địa phương…
Theo ông Lê Minh Thông, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND các cấp theo quy định của Luật Tổ chức HĐND và UBND ở Phú Yên thời gian qua, UBND các cấp đã ban hành các quyết định, chỉ thị và các văn bản chỉ đạo, điều hành kịp thời công tác quản lý nhà nước trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; phát huy quyền làm chủ của nhân dân; tạo thuận lợi cho hoạt động của cơ quan, tổ chức, đoàn thể, người dân và doanh nghiệp. Văn bản của UBND các cấp đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền, phù hợp yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, quản lý nhà nước ở tất cả các lĩnh vực trên toàn tỉnh. Đoàn giám sát ghi nhận những kiến nghị của UBND tỉnh và xem đây là một trong những cơ sở để Ủy ban Pháp luật đánh giá, tổng kết việc thực hiện Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 trong thời gian đến và góp ý để Quốc hội xem xét sửa đổi cho phù hợp.
PHONG NHÃ