Tại Việt Nam, ước tính cứ 500 trẻ sinh ra có 1 trẻ bị sứt môi hở hàm ếch và dị tật hàm - mặt. Ở Phú Yên, con số trẻ bị dị tật này cũng không ít. Những khiếm khuyết về thể chất không chỉ làm gương mặt trẻ thiếu thẩm mỹ mà còn khiến trẻ gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày.
NGHẸN LÒNG NHỮNG THÂN PHẬN TRẺ THƠ
Cháu Nguyễn Trương Khánh Hòa ở thôn Phú Hữu, xã Hòa Thịnh (Tây Hòa), 15 tháng tuổi là một trong những trường hợp không may mắn sinh ra với căn bệnh sứt môi. Chị Trương Thị Tiết Nỉ, mẹ cháu Hòa nói: “Gia đình tôi gần như suy sụp tinh thần khi kết quả chẩn đoán thai nhi cho thấy bé mắc dị tật sứt môi, hở hàm ếch. Không nỡ bỏ con nên tôi mang thai trong tâm trạng buồn chán. Ngày con chào đời, mỗi lần nhìn chiếc môi khuyết sâu của cháu, gia đình tôi ai cũng đau lòng”.
Nhà nghèo, cuộc sống thiếu thốn nên gia đình chưa nghĩ đến việc cho con phẫu thuật hở hàm ếch. “Nay bác sĩ chỉ định phẫu thuật và nghe có đoàn phẫu thuật chuẩn bị đến Phú Yên thực hiện, chúng tôi trông chờ từng ngày với hy vọng mang lại nụ cười lành lặn cho con”, chị Nỉ chia sẻ.
Gia đình chị Võ Thị Nhện ở xã Hòa Thắng (Phú Hòa) đã phải trải qua hành trình dài để tìm lại nụ cười cho con trai là Nguyễn Hoàng Trung. Năm nay, Trung được 25 tháng tuổi nhưng đã trải qua 2 lần phẫu thuật hở hàm ếch. Chị Nhện cho biết: “Khi mang thai được 32 tuần tuổi, tôi đi siêu âm, bác sĩ thông báo do bé bị ảnh hưởng từ đợt cúm của mẹ nên có thể bị hở hàm ếch nhẹ. Tuy rất buồn nhưng tôi và gia đình vẫn quyết tâm sinh cháu”. Từ đó đến nay, trải qua 2 lần phẫu thuật, bé Hoàng Trung đã có được nụ cười rạng rỡ như bao đứa trẻ khác.
Trong đợt khám sàng lọc trẻ sứt môi, hở hàm ếch do Sở LĐ-TB-XH phối hợp với các bác sĩ Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên mới đây, có gần 100 trẻ em bị bệnh trên địa bàn tỉnh đến khám. Qua buổi khám có gần 30 trẻ được chỉ định phẫu thuật miễn phí. Chị Đoàn Thị Ngọc Thúy (phường 6, TP Tuy Hòa) chia sẻ: “Con gái tôi bị sứt môi từ khi mới lọt lòng mẹ. Nay cháu 32 tháng và được Nhà nước hỗ trợ phẫu thuật, tôi mừng lắm”.
CHO EM NỤ CƯỜI TRẺ THƠ
Ở Việt Nam, trẻ sơ sinh bị dị tật hở môi, vòm miệng khá phổ biến với tỉ lệ khoảng 1/500-800 trẻ sinh ra bị dị tật môi, hàm ếch. Trẻ em phẫu thuật sứt môi phải đủ 6 tháng tuổi và nặng ít nhất 8kg. Trẻ em phẫu thuật hở hàm ếch phải đủ 18 tháng tuổi và cân nặng ít nhất 12kg. Trẻ bị suy dinh dưỡng, sốt cao, bị bệnh tim mạch… sẽ không được phẫu thuật nhằm đảm bảo sức khỏe cho trẻ.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Đỗ Thị Minh Giang, chuyên viên phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em - Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB-XH Phú Yên) cho biết: Nhiều năm tiếp xúc với các gia đình có trẻ bị dị tật, tôi không thể kiềm lòng khi chứng kiến cảnh người thân buồn thương, lo lắng vì con, cháu bị tật. Một điều may mắn là bệnh sứt môi, hở hàm ếch có thể chữa được. Những năm qua, Sở LĐ- TB-XH Phú Yên đã kết nối với nhiều đoàn y, bác sĩ các bệnh viện khắp cả nước để tổ chức phẫu thuật miễn phí cho hàng trăm trẻ. Dự kiến khoảng tháng 7, 8 tới có một đoàn y, bác sĩ của một tổ chức tình nguyện sẽ về Phú Yên để phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch cho trẻ em bị tật này.
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Hòa, Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên, sứt môi hở hàm ếch là bệnh lý bẩm sinh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh này ở trẻ em như hóa chất duy nạp, yếu tố di truyền, bà mẹ nhiễm cúm trong tuần đầu đến tuần thứ 8 của thời kỳ mang thai… Những trẻ bị bệnh thường bú sữa hay bị sặc, thậm chí nhiều trẻ sinh ra có cân nặng rất lý tưởng (3,5 đến 4kg), nhưng do không bú sữa được, dần dần dẫn đến suy dinh dưỡng, viêm nhiễm đường mũi họng, rất khó khăn trong việc chăm sóc. “Bệnh này không phải mổ 1 lần, do đó, trẻ nên được mổ sớm, phục hồi thẩm mỹ để các bé có thể phát âm tốt, hoàn thiện khuôn mặt. Vì vậy, các bậc cha mẹ nên tìm đến bệnh viện, những tổ chức có chức năng để phẫu thuật đem lại cuộc sống bình thường cho các em”, bác sĩ Hòa khuyên.
KIM CHI