Từ khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, hơn 1 tháng qua, việc làm ăn của ngư dân ta trên vùng biển Hoàng Sa gặp không ít khó khăn do sự truy cản hung hăng của nhiều tàu Trung Quốc quanh khu vực đặt giàn khoan, thì thông tin tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa VIII các đại biểu “bấm nút” dành 16.000 tỉ đồng từ nguồn cân đối ngân sách để hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ, đóng tàu trang thiết bị cho lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư đã mang lại niềm tin cho ngư dân Phú Yên nói riêng và ngư dân cả nước nói chung.
Tiếp đến, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị bàn về dự thảo Nghị định về một số chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản trong thời gian tới, dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, có sự tham gia của lãnh đạo 9 tỉnh: Phú Yên, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Bến Tre và Cà Mau, thu hút sự quan tâm của đông đảo ngư dân. Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định: Tàu vỏ thép có công suất từ 800CV trở lên, chủ tàu được vay tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 5%/năm, thời hạn vay 10 năm; trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 4%/năm. Đối với tàu vỏ gỗ, chủ tàu được vay tối đa 70% tổng giá trị con tàu (bao gồm cả ngư cụ, thiết bị trên tàu) với thời hạn 7 năm; thời gian ân hạn 1 năm; lãi suất tối đa 3%/năm. Ngư dân được sử dụng giá trị tàu đóng mới, tàu cải hoán, nâng cấp để bảo đảm vốn vay.
Có thể nói, việc Quốc hội thông qua khoản ngân sách 16.000 tỉ đồng và Bộ Tài chính tổ chức lấy ý kiến về chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản để trình Thủ tướng phê duyệt và thực hiện được xem là những khoản đầu tư “mạnh tay” nhất từ trước đến nay nhằm tăng cường cho lực lượng làm nhiệm vụ trên biển và phát triển ngành Thủy sản trong tình hình mới. Bên cạnh những đề xuất về chính sách khuyến khích đào tạo, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nuôi trồng thủy sản thì vấn đề hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ là nội dung chủ đạo của dự thảo nghị định này. Giai đoạn 2015-2020, ngân sách nhà nước sẽ đầu tư xây dựng hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, trang thiết bị thông tin trên tàu, hạ tầng sản xuất giống nuôi trồng thủy sản khoảng 20.000 tỉ đồng.
Những ngày qua, ngư dân ở các làng biển trong tỉnh rất hoan nghênh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc tạo điều kiện cho họ bám biển đánh bắt hải sản, đồng thời mong muốn các cấp, ngành có sự quan tâm, hướng dẫn triển khai thực hiện. Tuy nhiên, một số ngư dân cũng bày tỏ mong muốn là làm sao để những chính sách này sớm đi vào cuộc sống, thực sự mang lại hiệu quả, vừa phát triển kinh tế vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Theo các ngư dân ở làng biển Phú Câu - cái nôi của nghề câu cá ngừ đại dương ở nước ta, những năm trước, với chương trình hỗ trợ ngư dân vay vốn để đánh bắt xa bờ, lúc đầu chương trình còn có hiệu quả nhưng về sau do việc cho vay không đúng đối tượng, những người được vay vốn không có kinh nghiệm đánh bắt nên làm ăn thất bại, đến nay vẫn còn nợ ngân hàng. Với những chính sách hỗ trợ ngư dân sắp được triển khai, việc thay thế tàu sắt cho tàu gỗ đang rất cần sự hướng dẫn cụ thể, ngư dân phải được đào tạo, huấn luyện để có thể sử dụng thành thạo những kỹ thuật đánh bắt cũng như phương tiện thông tin liên lạc hiện đại.
Ở cấp độ địa phương, ngư dân Phú Yên chuyên đánh bắt xa bờ những ngày qua tiếp tục nhận thông tin vui khi UBND tỉnh có quyết định hỗ trợ 53 tỉ đồng để họ có điều kiện trang trải các khoản chi phí về nhiên liệu, bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm tai nạn thuyền viên và máy thông tin liên lạc. Có 410 tàu công suất từ 90CV trở lên và gần 1.700 thuyền viên được thụ hưởng quyết định này của tỉnh. Theo Sở NN-PTNT, trong vòng 3 năm, tỉnh đã hỗ trợ 169 tỉ đồng giúp ngư dân có điều kiện cải hoán, đóng mới tàu thuyền công suất từ 90CV trở lên để đủ sức vươn khơi bám biển sản xuất, vừa cùng với các lực lượng chức năng bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Theo ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, toàn tỉnh hiện có hơn 1.000 tàu cá từ 90CV trở lên chuyên đánh bắt xa bờ. Có 103 tổ tàu thuyền an toàn được thành lập, với hơn 800 tàu thuyền cùng 6.000 ngư dân tham gia. Thời gian qua, ngư dân trong tỉnh không chỉ đoàn kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất mà còn tích cực tham gia bảo vệ môi trường, cùng lực lượng chức năng giải quyết những tranh chấp trên biển.
Có thể khẳng định rằng, khoản tiền hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ, đóng tàu trang thiết bị cho lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư vừa được Quốc hội thông qua và Chính phủ cho lấy ý kiến dự thảo Nghị định về một số chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản là những chính sách đúng đắn, làm “bà đỡ” cho ngư dân cũng như lực lượng làm nhiệm vụ chấp pháp trên vùng biển nước ta, phù hợp với tình hình mới. Và để chính sách đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, thiết nghĩ cần phải có lộ trình cụ thể, trong đó việc tổ chức đào tạo, huấn luyện cho ngư dân sử dụng máy móc, trang thiết bị, kỹ thuật đánh bắt hiện đại trên con tàu mới là điều thật sự cần thiết.
QUANG THUẦN