Tham nhũng là căn bệnh nảy sinh từ quyền lực, nước nào cũng có; đã và đang là vấn đề mà cả thế giới quan tâm, luôn là vấn đề nhức nhối, nóng bỏng. Tham nhũng là ma thuật biến tài sản công thành tài sản tư, biến đất công thành đất tư, tiền công thành tiền tư, nhà công vụ thành nhà tư vụ, gây thất thoát lãng phí tiền của khổng lồ của nhà nước.
Ở nước ta, cùng với quan liêu, tham nhũng từ lâu đã được xem là “quốc nạn”. Quốc nạn tham nhũng làm khuynh đảo chính sách, thao túng quyền lực, tha hóa con người, giảm sút lòng tin của dân đối với Đảng, suy kiệt nhựa sống xã hội…
Từ những tác hại nghiêm trọng như vậy cho nên từ lâu Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân và của Chính phủ, là “giặc ở trong lòng”, là “giặc nội xâm” và là tội ác. Những tư tưởng về căn bệnh phát sinh từ quyền lực này cũng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra cách đây hơn nửa thếkỷ. Liên hệ với tình hình thực tếtham nhũng đang diễn ra ở nước ta hiện nay, chúng ta thấy, những lời dạy của Người là hết sức sáng suốt, mang tầm chiến lược và có giá trị thực tiễn sâu sắc.
Theo đánh giá của Trung ương, trong những năm qua, công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) đã đạt được những kết quả nhất định, tạo được những bước chuyển biến cả về nhận thức và hành động trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đồng thời trên một số lĩnh vực thì tham nhũng đã từng bước được hạn chế, ví dụ như lĩnh vực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, lĩnh vực quản lý sử dụng ODA, quản lý sử dụng tài sản nhà nước… Còn theo đánh giá của Tổ chức Minh bạch quốc tế, từ năm 2007 đến nay, công tác PCTN của Việt Nam năm sau tiến bộ hơn năm trước. Năm 2007, Việt Nam được xếp thứ 124/180, năm 2008 là 123/180, năm 2009 là 120/179, năm 2010 là 116/182, năm 2011 là 112/183 quốc gia…
Tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về công tác PCTN được tổ chức trong tuần qua, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đã khẳng định, tham nhũng vẫn là quốc nạn, là nguy cơ đe dọa tồn vong chếđộ và sự phát triển của đất nước ta. Trước đó, trong một cuộc họp của Chính phủ, có đại biểu đã đưa ra dẫn chứng bằng những con số mà những người bình thường nghe đến đều không khỏi giật mình, đau xót: “Với con số thất thoát ở Vinashin, có thể xây dựng được 214.000 phòng học, 107.000 nhà văn hóa, 53 nghìn trạm xá xã… Và nếu không có thất thoát đó, chúng ta cũng không phải băn khoăn trăn trở buộc phải lùi thời hạn tăng lương do không bố trí được nguồn”.
Để đấu tranh với căn bệnh tham nhũng, không phải đến bây giờ chúng ta mới có những giải pháp mà từ nhiều năm trước có rất nhiều giải pháp đã từng được nhắc đến. Đó là, kê khai tài sản riêng của cán bộ, công chức; công khai tài chính công; minh bạch trong các thủ tục, các quan hệ giữa các cơ quan, tổ chức với nhau và với người dân; kiên quyết đấu tranh đưa ra điều tra, truy tố xét xử đối với bất kỳ hành vi tham nhũng nào dù người vi phạm là ai; nâng cao vai trò giám sát của Đảng, của các cơ quan dân cử; các tổ chức, đoàn thể... Năm 1998, chúng ta đã ban hành Pháp lệnh Chống tham nhũng... Tuy nhiên mức độ tham nhũng ngày càng nghiêm trọng và tinh vi hơn.
Hầu như ai cũng biết, đối tượng tham nhũng dễ nhìn thấy, nhưng vạch được ra ánh sáng, chỉ được ra những chứng cứ tham nhũng của họ thì không dễ chút nào. Vì vậy, để PCTN, diệt “giặc nội xâm”, thì không phải chỉ có một binh chủng, một lực lượng hay một Ban PCTN mà toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đều phải ra sức đấu tranh. Cùng với “Kiên quyết, kiên trì xây dựng cho được một cơ chếphòng ngừa để không thể tham nhũng; một cơ chếtrừng trị, răn đe để không dám tham nhũng; và một cơ chếbảo đảm để không cần tham nhũng” như ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng bí thư tại hội nghị PCTN nêu trên, cần tập trung vào những vấn đề cơ bản: Đó là, thường xuyên tự giác tu dưỡng, rèn luyện, phê bình và tự phê bình trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ quan Đảng, Nhà nước thật sự có chất lượng cao; đồng thời làm tốt công tác tư tưởng. Dựa vào quần chúng, phát động quần chúng tích cực tham gia đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra và kê khai tài sản cá nhân. Chấn chỉnh công tác tổ chức; bổ nhiệm có thời hạn và luân chuyển cán bộ. Và vấn đề mấu chốt là phải xử lý cán bộ lãnh đạo, quản lý mắc bệnh tham nhũng một cách kiên quyết, công minh, bất kể họ là ai, ở cấp bậc nào.
XUÂN HIẾU