Khi cả nước đang tưng bừng kỷ niệm các ngày lễ trọng đại của 39 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, 60 năm Ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tại một góc phố nhỏ TP Tuy Hòa có 1 cựu binh đang nhớ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp với lòng kính yêu vô hạn, ông là đại tá Mai Tấn Trung, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kỹ thuật Cục Cơ yếu Bộ Tổng tham mưu (Bộ Quốc phòng).
Ông nói: “Tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với cả tiến trình dài của lịch sử dân tộc Việt Nam trong suốt 2 cuộc trường chinh chống Pháp và chống Mỹ. Tôi có may mắn là trong cuộc đời binh nghiệp của mình được phục vụ Đại tướng hơn 10 năm (1961- 1975)”. Đặc biệt, nói về Điện Biên Phủ là nói đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người chỉ huy cao nhất lực lượng QĐND Việt Nam. Thế giới ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một nhà quân sự thiên tài, một nhà văn hóa và sử học lớn, là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh cả của QĐND Việt Nam… Đối với ông Mai Tấn Trung, một trong những phẩm chất tuyệt vời mà Đại tướng để lại cho thế hệ trẻ noi theo là lối sống giản dị, chân thành cả trong cách viết và nói, về tình yêu thương đồng chí, đồng đội mà ông sẽ không bao giờ quên.
Là một người công tác trong ngành Cơ yếu lâu năm, ông Mai Tấn Trung được dịch rất nhiều bức điện của Đại tướng. Trong các bức điện mà Đại tướng gửi cho các chiến trường đều rất ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu. Ví dụ như trong chiến dịch Xuân 1975 gần kết thúc, từ đại bản doanh Hà Nội, Đại tướng điện vào cho Bộ Tư lệnh chiến dịch với nội dung: Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Quyết tâm giải phóng Sài Gòn - Gia Định và toàn bộ miền Nam vào năm 1975. Chuyển chiến dịch Xuân 1975 thành chiến dịch Hồ Chí Minh.
Ngày 26/4/1975
Ký tên: Văn
Sau khi dịch xong, bức điện đó được đệ trình lên đại tướng Văn Tiến Dũng là Tư lệnh của chiến dịch cũng như được chuyển tải xuống các đơn vị đang bao vây Sài Gòn, tất cả mọi người đều rất vui mừng phấn khởi. “Tôi cũng vô cùng phấn khởi, mừng thầm vì mình đã làm được một việc nhỏ là truyền một mệnh lệnh chính xác của Bộ Chính trị từ Hà Nội vào góp phần nhỏ vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc”, ông Trung nói.
Trong công việc hay trong cuộc sống đời thường, dù bận rộn, gấp rút đến đâu, Đại tướng cũng rất giản dị, chân tình đối với cấp dưới như một người cha, người anh trong gia đình. Năm 1971, tổng kết chiến dịch Đường 9 Nam Lào, Đại tướng duyệt lại tài liệu mà thiếu tướng Đỗ Trình, Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng trình. Đại tướng gạch, xóa, thêm bớt nhiều chỗ. Ông Mai Tấn Trung là người ghi chép lại toàn bộ tài liệu sau khi Đại tướng duyệt. Ông Trung còn nhớ như in hôm đó trời rất nóng, ông ngồi chép lại tài liệu mà mồ hôi chảy nhễ nhại, Đại tướng đi qua nhìn thấy và đứng lại nói: Cậu cởi áo viết cho mát.
Trong khoảng thời gian từ năm 1968 đến 1971, ông Mai Tấn Trung có nhiều lần được đi công tác cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhớ lần ông đi phục vụ Đại tướng tại Đồ Sơn (Hải Phòng), hôm đó mọi người đi bộ leo núi rất mệt, khi nghỉ giải lao, Đại tướng lấy bi đông rót 1 ly nước bảo ông uống, ông không dám uống vì nghĩ là nước chanh đường dành riêng cho Đại tướng. Trước sự chân tình của Đại tướng, ông đón ly nước từ tay Đại tướng với một lòng kính yêu như đối với người cha của mình. Đại tướng nhìn ông uống nước rồi vỗvào vai ông hỏi: Cậu đã có vợ chưa? Ông trả lời: Thưa Đại tướng, tôi đã có vợ và 2 con.
Lần gần đây nhất và cũng là lần cuối cùng, ông Mai Tấn Trung được gặp Đại tướng đó là vào năm 2000. Trong một lần về thăm thủ đô Hà Nội, ông Mai Tấn Trung đến thăm Đại tướng tại nhà riêng ở 30, Hoàng Diệu, quận Ba Đình. Đang ngồi chờ ở phòng khách thì Đại tướng đi ra (lúc này Đại tướng còn khỏe), ông Trung đứng dậy, ôm choàng lấy Đại tướng và hỏi: Anh Văn có nhớ tôi là thằng nào không? Đại tướng cười, nói: Mày là thằng Trung cơ yếu. Trong vòng tay của Đại tướng, ông nghĩ Đại tướng vẫn vậy, thật gần gũi và ấm áp biết bao!
Những mẩu chuyện mà ông Mai Tấn Trung kể về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong những năm được phục vụ Đại tướng, tôi cảm thấy như ông đang kể về một người cha, người chú trong gia đình. Nhưng đó là một đại tướng, một vị tướng tài ba của thế kỷ XX. Tôi chợt nghĩ, có lẽ những phẩm chất tuyệt vời đó đã góp phần làm nên lịch sử cho dân tộc Việt Nam: Kiên cường giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.
80 tuổi đời và 55 năm tuổi Đảng, ông Mai Tấn Trung quê ở xã Hòa Bình (Tây Hòa), hiện thường trú tại số nhà 43 Nguyễn Du (phường 7, TP Tuy Hòa). Năm 1954, lúc vừa tròn 20 tuổi, ông nhập ngũ thuộc Đại đội 393, Tỉnh đội Phú Yên. Sau chiến dịch Át-lăng, ông là một trong những chiến sĩ được tập kết ra miền Bắc trên chuyến tàu đầu tiên tại Bình Định. Tại miền Bắc, sau khi học xong Trường Cơ yếu Trung ương, ông được điều về công tác tại Cục Cơ yếu vào tháng 12/1960 và công tác tại đây cho đến ngày nghỉ hưu vào năm 1991. |
HÀ ANH
(Ghi theo lời kể của ông Mai Tấn Trung,
nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kỹ thuật Cục Cơ yếu Bộ Tổng tham mưu)