Bà con buôn làng ai cũng quý mến và gọi ông La Chí Tâm là “Ông nhân đạo”. Người đàn ông Bana 76 tuổi này đã có nhiều việc làm thiết thực và đầy hữu ích cho người dân vùng sâu vùng xa.
Tốt nghiệp Trường Đại học Y Hà Nội năm 1963, bác sĩ La Chí Tâm khoác ba lô lên vai hòa vào đoàn quân xẻ dọc Trường Sơn vào Nam, vừa chiến đấu vừa công tác trong ngành y cho đến ngày thống nhất đất nước. Sau giải phóng ông tiếp tục gắn bó với ngành y, từng làm Trưởng phòng Y tế rồi làm Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sơn Hòa suốt chặng đường 22 năm (1975-1997). Sau khi nghỉ chế độ, lẽ ra ông sống an nhàn như bao công chức về hưu khác, nhưng không! Ông tâm sự: “Đồng bào dân tộc thiểu số ở các buôn làng xa xôi, dù được sự quan tâm chăm sóc sức khỏe của Nhà nước, song vẫn chịu nhiều thiệt thòi. Mình phải giúp đỡ bà con”.
Nhiều năm nay, hàng ngày, sau khi chăm sóc mẹ vợ 96 tuổi (trước kia là cơ sở cách mạng, bị địch bắt tù đày tra tấn dã man dẫn đến mù lòa tàn tật), ông dùng chiếc Cub 50 cà tàng đến các buôn làng thăm hỏi bà con. Quà của ông là gói trà, dăm liều thuốc… Ngoài việc xem bệnh, ông La Chí Tâm hướng dẫn bà con buôn làng giữ gìn vệ sinh nhà cửa, không nuôi gia súc dưới gầm nhà, ăn chín uống sôi, ngủ phải giăng mùng…
Ở một số buôn làng, nạn mê tín dị đoan vẫn tồn tại. Khi trong làng có người bệnh, thay vì đến trạm y tế, bệnh viện… người dân lại tổ chức cúng bái bằng cách mổ bò, giết heo, vừa thiệt hại đến kinh tế gia đình, có lúc làm nguy hại đến sinh mạng người bệnh. Qua những lần đến nhà tuyên truyền, vận động, ông Tâm đã góp phần rất lớn vào việc bài trừ mê tín dị đoan. Ông còn hướng dẫn cho bà con trồng và sử dụng các loại cây thuốc có ở địa phương phòng khi trái gió trở trời. Không chỉ thế, ông Tâm còn hướng dẫn và giúp đỡ cho nhiều gia đình khó khăn làm kinh tế thoát nghèo, mặc dù ông chưa giàu có gì: Khoảng năm 1999 – 2000, ông Tâm phân tích thấu tình đạt lý, vận động vợ chồng chị Hờ Giới ở buôn Tân Thành, xã Sơn Hội thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Vì quá đông con nên gia đình chị Hờ Giới quanh năm đói ăn, thiếu mặc. Sau khi vợ chồng chị Hờ Giới ngộ ra, từ bỏ nếp nghĩ “Trời sinh voi, sinh cỏ”, ông Tâm trích lương tháng ít ỏi của mình giúp gia đình chị mua bò để cày đất gieo trồng. Đến bây giờ, gia đình chị Hờ Giới đã hoàn trả số vốn cho ông Tâm và còn lại phần chị là 6 con bò. Năm người con của chị Hờ Giới từ đó có điều kiện đến trường đến lớp học hành tử tế. Chị Hờ Giới tâm sự: “Gia đình tôi trước đây không đủ cái ăn, dám đâu nghĩ đến chuyện học hành của các con. May mà nhờ “Ông nhân đạo” giúp đỡ. Ông ấy không chỉ lo cho sức khỏe của bà con mà còn giúp cả tiền bạc nữa. Cái bụng ông Tâm tốt quá, dân làng ai cũng khen”. Hôm tôi tìm đến, ông đang vội vã thu xếp để đi về các buôn xa. Ông vẫn sống với con trong ngôi nhà nhỏ tại thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa. Về những việc làm của mình, ông nói rất đơn giản: “Về hưu, tôi có lương và phụ cấp của Nhà nước, lại ở vùng có điều kiện thuận lợi về chăm sóc sức khỏe. Nhiều người già yếu như tôi ở vùng sâu, vùng xa đâu có được như vậy. Việc làm của mình chỉ rất nhỏ trong y đức của người thầy thuốc”. Tấm lòng của “Ông nhân đạo” La Chí Tâm luôn rộng mở. Ông luôn nghĩ về bà con nghèo ở các buôn xa.
TRẦN CAO TRÍ