Thứ Hai, 14/10/2024 15:22 CH
Những già làng tiêu biểu
Thứ Sáu, 03/01/2014 08:19 SA

Phú Yên có 31 dân tộc thiểu số sinh sống, với khoảng hơn 52.000 người, chủ yếu là dân tộc Ê đê, Chăm, Ba na, Tày, Nùng… tập trung tại 3 huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hòa và Đồng Xuân. Trong đó những người có uy tín, các già làng, trưởng thôn, buôn tại các địa phương này là chiếc cầu nối, mối dây liên kết giữa ý Đảng với lòng dân.

kaso140103.jpg

Ông Ka Sô Liễng (bìa phải) giới thiệu vườn cây trái của mình với đồng chí Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn công tác của Quốc hội nhân chuyến làm việc tại Phú Yên vào tháng 1/2010 - Ảnh: K.CHI

“NHỮNG CÁNH CHIM KHÔNG MỎI”

Được ông Phạm Văn Trung, Trưởng ban Dân tộc huyện Đồng Xuân giới thiệu, tôi tìm đến nhà ông La Chí Thái, người dân tộc Ba na ở làng Xí Thoại, xã Xuân Lãnh (Đồng Xuân). Trong căn nhà sàn ấm áp, già Thái tâm sự nhiều về việc nhà, việc làng. Làng Xí Thoại là mô hình làng văn hóa đầu tiên của cộng đồng người dân tộc thiểu số ở Phú Yên. Do đó, với vai trò là một già làng, ông đã vận động bà con ăn ở theo nếp sống văn minh, hiện đại. Đặc biệt, ông là người biết bào chế thuốc từ cây rừng để chữa bệnh, cứu người và được mệnh danh là “thầy thuốc của buôn làng”. Già Thái kể, ông nội, rồi cha ông từ xưa là người biết làm thuốc bằng cây rừng. Lúc nhỏ ông theo cha lên rừng hái thuốc. Khi chiến tranh đi bộ đội, nhờ biết nghề thuốc, ông đã chữa trị cho đồng đội và nghề chữa bệnh đã theo ông từ đó đến nay. Gặp người bệnh có gia cảnh nghèo túng, nhất là người dân tộc thiểu số thì ông biếu thuốc, không nề hà chuyện tiền nong. Tiếng lành đồn xa, bệnh nhân từ khắp nơi tìm đến, thế là già Thái miệt mài bốc thuốc cứu người. Ngoài ra, ông còn vận động dân làng phá bỏ tập quán chăn nuôi gia súc dưới gầm nhà sàn, ăn uống kém vệ sinh. Ông cũng là người đầu tiên xây nhà tắm, nhà vệ sinh và thực hiện ăn chín, uống sôi. Các tập tục lạc hậu như ma chay, cúng bái trong làng đã bỏ từ lâu. Ở cái tuổi xấp xỉ 80, nhưng nhìn ông cầm rựa vạt cây rừng làm thuốc vẫn còn vững vàng ai thấy cũng mơ ước.

Ở xã Phú Mỡ (Đồng Xuân), ai cũng biết và quý trọng già làng Oi Nghĩa. Ông là người đầu tiên khởi xướng dồn điền đổi thửa, chia ruộng cho bà con nghèo. Từ đó đến nay, ở xã vùng cao này, nhiều già làng có nhiều đất, ruộng đều đem chia cho bà con nghèo như Oi Ruồi, Oi Quí, Ma Vân, Ma Phọm… Ruộng được chia theo nhân khẩu, nhà nhiều thì được nhiều, nhà ít được nhận ít. Hiện ở buôn Phú Lợi có 82 hộ dân, thì 100% hộ có diện tích lúa nước. Phong trào làm lúa nước của xã Phú Mỡ nhanh chóng nhân rộng ra từ cách làm này.

Có một người con của núi rừng miền tây Phú Yên cũng đang dồn hết công sức mình giúp cộng đồng người dân tộc thiểu số Chăm H’Roi. Đó là ông Ka Sô Liễng, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian ở xã Ea Chà Rang, Sơn Hòa. Nhiều năm qua, ông lặng lẽ đi tìm chữ viết cho người dân tộc Chăm H’Roi. Ông tâm sự: “Muốn nghiên cứu văn hóa các dân tộc thiểu số, chỉ có chung sống với đồng bào địa phương thì mới làm được. Từ lâu tôi luôn day dứt tại sao người Chăm H’Roi không có chữ viết”. Từ chữ Ê đê được học, dựa trên mẫu tự Latin, ông Ka Sô Liễng bắt đầu tìm hiểu và sáng tạo ra chữ viết cho người Chăm H’Roi. Tháng 6/2010, bộ chữ Chăm H’Roi của ông Ka Sô Liễng cơ bản hoàn chỉnh. Ông bắt đầu dạy cho người dân trong buôn học chữ. Sau đó ông bắt tay vào viết sách. Sách ông viết được in bằng hai thứ chữ Quốc ngữ và Chăm H’Roi. Đầu năm 2011, ông mạnh dạn gửi bộ chữ viết Chăm H’Roi do mình sáng tạo đến Viện Ngôn ngữ học Việt Nam để thẩm định, với mong muốn bộ chữ viết này được đưa vào giảng dạy cho con em đồng bào Chăm trong tỉnh. Như cánh chim không mỏi, hàng ngày với chiếc túi thổ cẩm, trong đó đựng nhiều thứ bút mực, máy ghi âm, máy ảnh, ông đi lại nhiều nơi trong các buôn làng. Ông ghi lại những chuyện kể, sử thi bằng chữ Chăm H’Roi do ông sáng tạo, rồi đọc lại cho già làng nghe… Không chỉ nghiên cứu văn hóa dân gian, ông Ka Sô Liễng còn là người làm kinh tế giỏi. Hàng ngày ông cứ cần mẫn đào, cuốc, rồi trồng cây ăn quả, nuôi con gà, con heo... Chẳng bao lâu ông đã có một trang trại rộng hơn 5 héc ta. Trong đó mảnh vườn sau nhà của vợ chồng ông trồng nhiều loại cây, đã ra hoa, kết trái trĩu quả như chuối, đu đủ, thơm, xoài, cam… Ngoài ra, ông còn có gần 1.200 gốc xà cừ, hơn 2.000 cây keo lai, 600 cây điều, 50 cây dó bầu đang phát triển tốt.

la-thai140103.jpg

Ông La Chí Thái (bìa phải) đang khám bệnh cho người lớn tuổi trong buôn - Ảnh: P.V

PHÁT HUY VAI TRÒ NGƯỜI CÓ UY TÍN, TIÊU BIỂU

Ông Phan Hữu Đại, Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết, ở Phú Yên hiện có 116 người lớn tuổi có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng chính sách của Nhà nước. Vai trò của già làng, trưởng thôn, buôn và cá nhân tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh ngày càng phát huy tính gương mẫu trong các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước. Nhiều hộ gia đình tiêu biểu đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế trang trại sản xuất nông lâm kết hợp, mua sắm máy móc phục vụ sản xuất kinh doanh đem lại hiệu quả cao, nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Điển hình tiêu biểu như hộ gia đình ông Ma Đuông, Ma Nhứt, Ma Bay, Ma Min, Bàn Nguyên Thành… ở huyện Sông Hinh; Ma Buôn, Ma Lia, Ma H’Téo, Ma Hùng, Ma Tý, Ma Tim, Ma Thưng, Y Cảnh, Y Bốn.. ở huyện Sơn Hòa; Ma Yểm, La Văn Lung, Ma Nghĩa… ở huyện Đồng Xuân..

Với những già làng uy tín, những lời nói, việc làm của họ đều có ảnh hưởng, tác động đến tâm tư tình cảm của bà con trong cộng đồng. Ngày nay, những người tiêu biểu trong cộng đồng các dân tộc thiểu số bao gồm các vị lão thành cách mạng, các ông bố, bà mẹ liệt sĩ, các bà mẹ Việt Nam anh hùng, các nhân sĩ trí thức, già làng, trưởng thôn, trưởng tộc, trưởng họ, các cựu chiến binh, các cụ trong Hội Người cao tuổi, những người làm kinh tế giỏi… hướng đến mục tiêu xây dựng thôn buôn giàu mạnh, dân chủ văn minh.

KIM CHI - TRÌNH KẾ

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek