Thứ Hai, 14/10/2024 17:13 CH
Nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai cho cộng đồng
Thứ Ba, 31/12/2013 11:00 SA

Dự án Giảm thiểu rủi ro thảm họa (gọi tắt là DRR) do Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Na Uy hỗ trợ bắt đầu triển khai thực hiện tại Phú Yên từ năm 2010, đến nay đã có 13 xã nằm trong vùng có nguy cơ cao về thảm họa ở các huyện Tây Hòa, Đông Hòa, Tuy An và TP Tuy Hòa được hỗ trợ với số tiền trên 11,4 tỉ đồng. Mục tiêu của dự án là tăng cường khả năng đề kháng thiên tai của nhân dân các xã dễ bị tổn thương, đồng thời nâng cao năng lực của chính quyền và CTĐ các địa phương trong công tác ứng phó, giảm nhẹ và phòng ngừa thiên tai.

 

anh-131231.jpg

Truyền thông tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người dân sau thiên tai - Ảnh: T.MINH

Sau khi thực hiện công tác đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương (VCA) tại cộng đồng, dự án tập trung vào 3 giải pháp chính nhằm giải quyết những nhu cầu bức xúc của người dân. Đó là, cải thiện cơ sở hạ tầng, trang bị cơ sở vật chất; truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của cộng đồng; nâng cao năng lực của chính quyền và CTĐ trong công tác giảm thiểu rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng.

 

Phó chủ tịch Hội CTĐ tỉnh Lê Thế Minh cho biết: Trong ứng phó thảm họa thiên tai, chúng tôi đặc biệt chú ý đến các giải pháp nâng cao nhận thức cho cộng đồng. Đó là, cùng với người dân xây dựng, xác lập kế hoạch phòng ngừa thảm họa cho địa phương mình. Những ý kiến đóng góp của người dân đều được đưa vào kế hoạch phòng ngừa thảm họa trên địa bàn. Như vậy thì khi thảm họa xảy ra, sự ứng phó tại chỗ của người dân cũng như sự liên kết của cộng đồng sẽ mạnh hơn. “Một câu hỏi mà chúng tôi luôn đặt ra trong quá trình triển khai thực hiện dự án là cộng đồng sẽ đạt được cái gì khi dự án hỗ trợ. Đó là, cộng đồng sẽ an toàn hơn và phục hồi nhanh hơn trong và sau khi thiên tai xảy ra - đây chính là mục tiêu của dự án mà chúng tôi luôn hướng đến”- ông Minh tâm sự. Dự án có một chương trình làm động lực để kích hoạt khả năng tự ứng cứu, phòng ngừa thảm họa của người dân là hỗ trợ từ 50 đến 70% kinh phí cho những hộ có khả năng sắm sõng riêng để chở 4-5 người trong nhà đến nơi cao hơn khi có lũ lụt xảy ra và người dân rất đồng tình. Chương trình này nhằm góp phần kích hoạt sự quan tâm của các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị cơ sở đối với những hộ dân nằm trong vùng thảm họa, dễ bị tổn thương và quan trọng nhất là góp phần trang bị cho bà con khả năng ứng phó tại chỗ để giảm thiểu rủi ro cho gia đình mình.

 

Trên hành trình đến với các xã nằm trong vùng có nguy cơ cao về thảm họa thiên tai trong tỉnh được dự án DRR hỗ trợ, chúng tôi bắt gặp không ít nụ cười rạng rỡ trên gương mặt của những người dân nghèo nơi đây. Ông Hồ Minh Nhơn ở thôn Định Trung 3, xã An Định (Tuy An) cho hay, vợ chồng ông lớn tuổi lại không vốn liếng, quanh năm suốt tháng chỉ biết trông cậy vào việc cấy cày mấy sào ruộng khoán kiếm cơm qua ngày. Cuộc sống khó khăn nên ông Nhơn không thể nghĩ đến chuyện mua sõng. Chiếc sõng mà ông Nhơn muốn nói đến là phương tiện mà người dân ở thôn Định Trung 3 này thường di chuyển trong mùa mưa lũ, nhưng vợ chồng ông bao năm rồi không có điều kiện để mua.

 

“May mà có Hội CTĐ Na Uy hỗ trợ 1 triệu đồng, vợ chồng tôi dành dụm vay mượn thêm 500.000 đồng mới mua được chiếc sõng”. Ông Nhơn bảo, chiếc sõng không những giúp “chạy” lụt mà còn giúp vợ chồng ông đi thả lưới đánh cá tăng thêm thu nhập. “An Định là một xã thường xuyên bị cô lập, chia cắt vào mùa mưa lũ. Hàng năm, mưa bão không chỉ gây thiệt hại về tài sản mà còn đe dọa cả tính mạng con người. Thế nên, những chiếc sõng nhỏ hộ gia đình là phương tiện hết sức cần thiết. Trước kia chưa có sự hỗ trợ của dự án, toàn xã chỉ có 102 chiếc sõng nhỏ, nhưng từ năm 2011 (khi có dự án hỗ trợ ) đến nay toàn xã đã có 520 chiếc. Ngoài những chiếc do dự án hỗ trợ cho dân nghèo, phần lớn là do bà con tự động bỏ tiền mua, bởi họ nhận thấy sự thiết thực của phương tiện này trong việc phòng chống lũ lụt”- Chủ tịch Hội CTĐ xã An Định Phan Lộc phấn khởi chia sẻ.

 

Bên cạnh việc hỗ trợ xây nhà tránh lũ cộng đồng, xây dựng cầu, cống, đường bê tông, dự án còn cấp áo phao, phao cứu sinh, túi cấp cứu, trang thiết bị, sõng gia đình, bồn chứa nước, xuồng máy, thuyền cứu hộ… cho cán bộ và tình nguyện viên CTĐ các cấp, khu dân cư và các hộ gia đình nghèo. Các hợp phần vệ sinh, nước sạch, sinh kế và thích ứng biến đổi khí hậu cũng được lồng ghép, như hỗ trợ bể lọc nước nhiễm phèn, nhà vệ sinh và hệ thống biogas gia đình, thuyền cho hộ gia đình, hệ thống xử lý rác, bồn chứa nước, trồng tre bảo vệ khu dân cư… “Mục tiêu của dự án không chỉ góp phần bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân khi có lũ lụt xảy ra mà còn bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn” - ông Lê Thế Minh khẳng định.

 

LAN KHANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek